Vòng xoáy thuế quan Mỹ - Trung: Linh hoạt trong thách thức
Ngay đầu năm 2025, thương mại toàn cầu căng thẳng khi các nền kinh tế lớn liên tiếp đưa ra các biện pháp thuế quan. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại là một nước có nền kinh tế mở, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, không để lỡ thời cơ và giữ đà tăng trưởng.

Doanh nghiệp xuất khẩu thép đứng trước thời cơ và thách thức. Ảnh: M.H.
Cơ hội đan xen thách thức
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra loạt chính sách thuế quan mới như áp thuế bổ sung 10% đối với hàng Trung Quốc, 25% hàng từ Canada và Mexico nhưng sau đó trì hoãn trong 30 ngày. Ông Donald Trump cũng công bố tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu, định áp thuế ôtô từ tháng 4 và lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng.
Sau đó, Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ áp thuế 15% đối với khí LNG, than đá của Mỹ vào nước này đồng thời đánh thuế 10% đối với các sản phẩm như dầu thô, ôtô, thiết bị nông nghiệp... các hình thức áp thuế sẽ từ ngày 10/2/2025.
Điều này cho thấy, sự cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt với chính sách thuế quan của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn khi các đối tác thương mại toàn cầu có hành động “trả đũa”. Trong khi đó Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp (DN) và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, USD tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu (XK) của DN Việt Nam vào các thị trường lớn cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Giới chuyên gia nhận xét Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở thương mại lớn và Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều là đối tác thương mại quan trọng. Do vậy, giới chuyên gia nhận định, chiến tranh thương mại có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cơ hội đến từ khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng, khi DN Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc (China+1).
Bên cạnh đó, XK một số mặt hàng như dệt may, điện tử, nông sản… có thể tăng nếu Việt Nam tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP…). Chúng ta cũng có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ các công ty tìm kiếm môi trường sản xuất ổn định hơn. Các công ty logistics cũng sẽ có cơ hội phát triển khi nhiều DN tìm cách dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia có lợi thế thuế quan, thúc đẩy nhu cầu vận tải, kho bãi và dịch vụ hậu cần.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là mục tiêu XK có thể bị ảnh hưởng, nếu nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm do chiến tranh thương mại. Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ Mỹ, EU nếu Việt Nam bị xem là điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc.
Cơ hội vươn mình
Ở góc độ chuyên gia, TS Huỳnh Thanh Điền - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng được lợi thế từ ẩn số thương chiến Mỹ - Trung. Giá trị XK Việt Nam năm 2025 sẽ gia tăng, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ nhiều hơn.
Cụ thể, về vốn FDI, 2 năm vừa rồi vốn FDI tăng đột biến, đặc biệt năm 2024 tỷ lệ giải ngân FDI tăng. Các nhà máy sản xuất đang có sự dịch chuyển.
“Câu chuyện tôi muốn nói ở đây là nếu như không có chính sách thuế của Mỹ thì cũng có dịch chuyển. Bởi châu Âu là lục địa già, các nước khu vực này đã tăng trưởng quá cao rồi nên muốn làm ăn ở đây thì sẽ hết dư địa. Châu Phi có những vẫn đề về thể chế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đã phát triển rõ. Còn lại các nước Asean, Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, với sức mua lớn, nhu cầu đầu tư lớn, nên các nước sẽ đổ về đây kinh doanh” - TS Huỳnh Thanh Điền chia sẻ.
Về XK, TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng thời gian tới sẽ tăng trưởng tốt. Cơ cấu XK của Việt Nam, 70 - 80% đến từ khối DN FDI. Các ngành hàng XK như điện thoại, linh kiện điện tử đang rất tốt, và hàng hóa từ khối DN FDI sẽ không gặp những rào cản về kỹ thuật như hàng hóa sản xuất từ DN trong nước.
Như chúng ta đã thấy, các tập đoàn đa quốc gia họ quá quen với chuyển đổi xanh, nước nào mà thuế suất thấp thì họ sẽ đặt đơn hàng ở đó để sản xuất. Khi XK khối DN FDI tăng sẽ tạo được sức ép DN trong nước XK theo.
XK của DN trong nước sẽ được gia tăng từ 2 cách. DN trong nước cung cấp hàng cho DN FDI. DN trong nước gián tiếp, gia công cho DN FDI mà lĩnh vực dệt may là rõ thấy nhất. Còn những DN nào mà chuẩn bị được tiêu chuẩn xanh, lao động thì XK sang các nước lớn cũng dễ.
Với DN ngành gỗ, ông Nguyễn Thanh Lam - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lâm Việt cho biết, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, DN cố gắng linh hoạt hơn để tìm kiếm thêm đơn hàng, khách hàng. Hiện sản phẩm của Lâm Việt đang XK tập trung vào 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Vương quốc Anh. Để có được kết quả này, DN đã đáp ứng tốt các tiêu chuẩn cao của thị trường, từ việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, xuất xứ, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn xanh và bền vững…