VN-Index hướng về mốc 1.300 điểm

Với những phiên đi lên mạnh mẽ trong những ngày gần đây, chỉ số VN-Index một lần nữa đang đứng trước cơ hội tiếp cận lại mốc 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự mạnh khi chỉ số đã nhiều lần vươn đến ngưỡng này nhưng rồi sau đó đều không thể bứt phá hoàn toàn. Kỳ vọng gì cho thị trường trong giai đoạn tới?

Xu hướng đi lên của VN-Index vẫn đang được duy trì với khối lượng giao dịch ngày càng cải thiện cao hơn so với giai đoạn cuối năm 2024. Ảnh: LÊ VŨ

Xu hướng đi lên của VN-Index vẫn đang được duy trì với khối lượng giao dịch ngày càng cải thiện cao hơn so với giai đoạn cuối năm 2024. Ảnh: LÊ VŨ

Hướng về lại 1.300 điểm

Chỉ số VN- Index đã có bốn tuần đi lên liên tiếp từ giữa tháng 1-2025 đến nay. Dù vẫn có những phiên gặp thách thức điều chỉnh giảm mạnh do đối mặt với các thông tin tiêu cực, nhưng xu hướng đi lên vẫn đang được duy trì với khối lượng giao dịch ngày càng cải thiện cao hơn so với giai đoạn cuối năm 2024. Tính đến đầu tuần này (17-2), chỉ số VN-Index đã leo lên trở lại vùng 1.280 điểm, cao nhất trong hai tháng qua.

Nếu như vào tuần trước thông tin về chính sách đánh thuế thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thời điểm gây áp lực lên các thị trường chứng khoán toàn cầu, hiện tâm lý nhà đầu tư đã ổn định, tạo điều kiện cho đà phục hồi tiếp tục kéo dài. Theo nhận định của giới phân tích, với thanh khoản giao dịch đang tiếp tục có sự cải thiện, thị trường có thể đang ở cuối chu kỳ tích lũy với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn.

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, trong tuần vừa qua nhóm này tiếp tục bán ròng hơn 1.940 tỉ đồng, kéo dài chuỗi bán ròng không dứt từ đầu năm 2025 đến nay. Trong phiên đầu tuần này, khối ngoại tiếp tục bán ròng 651 tỉ đồng. Trước viễn cảnh các hàng rào thuế quan của Mỹ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên đồng tiền của nhiều quốc gia, động thái bán ròng của khối ngoại là có thể hiểu được. Trong khi đó, giao dịch của nhóm tự doanh các công ty chứng khoán (CTCK) có dấu hiệu tích cực hơn khi ghi nhận mua ròng nhẹ 30 tỉ đồng trong tuần trước và tiếp tục mua ròng gần 250 tỉ đồng trong phiên đầu tuần này.

Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên chờ xu hướng trung hạn thoát khỏi trạng thái tích lũy đã kéo dài, dựa trên động lực mới của các yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp.

Với những phiên đi lên mạnh mẽ trong những ngày gần đây, chỉ số VN-Index một lần nữa đang đứng trước cơ hội tiếp cận lại mốc 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự mạnh khi chỉ số đã nhiều lần vươn đến ngưỡng này nhưng rồi sau đó đều không thể bứt phá hoàn toàn thoát khỏi vùng giá này, hệ quả là sau đó rơi vào giai đoạn điều chỉnh trở lại.

Chính vì vậy, không ít nhận định từ các CTCK cho rằng các nhà đầu tư nên thận trọng khi chỉ số VN-Index tiếp cận lại vùng giá này, vì như những giai đoạn trước đây, thị trường luôn chịu áp lực bán và phân hóa lớn khi VN-Index gặp vùng kháng cự mạnh này. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên chờ xu hướng trung hạn thoát khỏi trạng thái tích lũy đã kéo dài, dựa trên động lực mới của các yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp. Dù vậy, nhìn chung diễn biến thị trường trong những phiên vừa qua vẫn tương đối tích cực, dòng tiền vẫn đang chủ động luân chuyển trong thị trường tích cực hơn so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, giai đoạn hiện nay thị trường cũng có thể được hỗ trợ khi sắp bước vào mùa cao điểm công bố thông tin kế hoạch kinh doanh năm 2025, cũng như trước thềm mùa họp đại hội đồng cổ đông mà nhiều thông tin của doanh nghiệp về chiến lược, kế hoạch hay chính sách chia cổ tức sẽ được công bố.

Quá khứ cũng cho thấy thị trường thường có diễn biến tích cực trong những tháng đầu năm, trước khi chịu áp lực lớn hơn vào nửa cuối tháng 4 do ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ lễ dài ngày và hiệu ứng “bán trong tháng 5”.

Tâm điểm là chính sách của Mỹ

Về mặt định giá, theo báo cáo phân tích của CTCK ABS, với kết quả kinh doanh quí 4-2024 được công bố, mặc dù VN-Index có sự hồi phục trong một tháng vừa qua, P/E của VN-Index cho bốn quí gần nhất giảm từ 12.97x (ngày 9-1-2025) xuống 12.59x (ngày 6-2-2025). Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 11.10x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (16.41x) và VNSML (15.36x).

Cần biết rằng để có thể kéo VN-Index bứt phá thoát khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm, nhóm cổ phiếu blue chip có tỷ lệ vốn hóa cao trên thị trường hiện nay như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản vẫn là các động lực chính. Thực tế trong một tháng qua (từ ngày 15-1 đến 17-2), trong tổng mức tăng 36 điểm của chỉ số VN-Index, 10 cổ phiếu đóng góp lớn nhất là LPB (+4,7 điểm); CTG (+4,2 điểm); TCB (+3,6 điểm); GVR (+2,7 điểm); BID (+2 điểm); MBB (+2 điểm); HVN (+1,9 điểm); GEE (+1,7 điểm); SSB (+1,6 điểm) và VPB (+1,4 điểm). Như vậy, có bảy ngân hàng trong tốp 10 nói trên đóng góp lên đến gần 20 điểm.

Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, thị trường vẫn có thể phản ứng khó lường với tâm điểm là các chính sách thuế quan của Mỹ. Hiện cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các nước đang ở giai đoạn đầu và ngày càng gia tăng căng thẳng, trong đó các mức thuế quan có thể tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc như là cách “dằn mặt” nhau trước khi bước vào bàn đàm phán chính thức. Theo giới quan sát, một cuộc chiến thương mại nếu kéo dài sẽ đều gây tổn thất cho cả đôi bên, với phía Trung Quốc là lĩnh vực xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại nặng nề còn phía Mỹ là nguy cơ bóng ma lạm phát quay trở lại.

Về phía Việt Nam, một số ý kiến lạc quan cho rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và dù trong trường hợp Việt Nam bị áp thuế thì mức thuế có lẽ sẽ vẫn thấp hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, như nhiều phân tích đã chỉ ra, khi đó Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đường vào Mỹ để tránh các hàng rào thuế quan. Khi đó, các biện pháp mạnh tay hơn có thể được phía Mỹ áp đặt.

Con đường VN-Index hướng đến mốc 1.300 điểm và vượt qua vùng kháng cự mạnh đó được dự báo sẽ rất gập ghềnh. Theo khuyến nghị của một số CTCK, nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội tại các nhịp rung lắc mạnh trong những phiên tới để cân nhắc giải ngân vào cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công, dầu khí..., khi tín hiệu mua chủ động gia tăng trở lại tại các vùng hỗ trợ.

Trong một diễn biến khác, bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), mới đây chia sẻ rằng đã có 1.200 nhà đầu tư ngoại áp dụng Non Pre-funding (nghiệp vụ giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền), một trong những tiêu chí FTSE đặt ra để có thể nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Nhưng nếu nhìn vào tiêu chí nâng hạng của tổ chức MSCI, việc triển khai cơ chế thanh toán CCP (cơ chế đối tác bù trừ trung tâm) sẽ là giải pháp quan trọng và dài hơi hơn để đáp ứng điều kiện nâng hạng. Trong năm 2025, VSDC cũng sẽ triển khai nâng cấp các dịch vụ để hỗ trợ các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư nước ngoài, đón đầu xu hướng khi thị trường được nâng hạng.

Triêu Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vn-index-huong-ve-moc-1-300-diem/
Zalo