Điều gì tiếp theo sau khi Mỹ - Trung đình chiến thương mại?
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra cuối tuần qua tại Thụy Sĩ mang ý nghĩa biểu tượng chính trị, nhưng kết quả mà hai bên đưa ra chưa phải thỏa thuận thực sự.
Theo các nhà phân tích, cuộc đàm phán vừa qua có thể mang lại những ý nghĩa kinh tế và chính trị cho cả Mỹ và Trung Quốc, trước khi hai bên khởi động một quá trình dài nhằm đạt được thỏa thuận thực chất nhằm giải quyết vấn đề thuế quan và các rào cản thương mại khác.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. (Ảnh: SCMP)
Kết quả của cuộc họp trong 2 ngày tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ sẽ mang lại cho cả hai cường quốc sự nhẹ nhõm chính trị tạm thời ở trong nước mà không bị đánh giá là yếu thế trên mặt trận chiến tranh thương mại, giới phân tích nhận định.
Lần này, các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ nhất trí thiết lập một "cơ chế tham vấn thương mại", Phó Thủ tướng Hà Lập Phong nói với các phóng viên ngày 12/5.
Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố cho biết đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc và dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent rằng hai bên có "tiến triển đáng kể".
Nhận xét về kết quả này, nhà phân tích Matteo Giovannini, cộng sự của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nói: "Mỹ đang chịu áp lực chính trị phải thể hiện chiến thắng. Trong khi đó, Trung Quốc coi cuộc đàm phán không phải là kết quả đơn lẻ mà là một phần của quá trình chiến lược để quản lý quan hệ song phương, bảo đảm khả năng phục hồi kinh tế và các mục tiêu phát triển dài hạn".
Nhà phân tích này cho rằng kết quả hôm nay cho thấy kế hoạch của Trung Quốc là giữ kiên nhẫn chiến lược và tự bảo vệ kinh tế.
"Thông qua việc xây dựng khả năng phục hồi, Trung Quốc đặt mục tiêu cách ly nền kinh tế trong nước khỏi những cú sốc bên ngoài và tham gia có chọn lọc vào các thị trường toàn cầu", ông Giovannini nhận định.
Ông Giovannini nói thêm rằng việc Tổng thống Trump gọi kết quả ở Geneva là "thỏa thuận" là để đạt được nhiều mục tiêu chính trị ngắn hạn.
"Nó báo hiệu sự tiến triển mà chưa cần cam kết thực chất, cho phép chính quyền Mỹ trì hoãn tiếp tục tăng thuế quan trong khi vẫn tỏ ra mạnh mẽ. Nó chuyển cuộc chiến thương mại từ bế tắc thành câu chuyện thành công đang diễn ra, củng cố hình ảnh của ông (Trump) như một người tạo ra thỏa thuận”, ông Giovannini nói.
Ngoài ra, việc hai bên đưa ra thông tin tích cực có tác dụng “xoa dịu thị trường tài chính và các doanh nghiệp”. Điều này sẽ mang lại cho ông Trump “đòn bẩy trong nước và trên bàn đàm phán”.
Ông Stephen Olson, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore và là cựu quan chức đàm phán thương mại Mỹ, cho rằng việc hai bên đồng ý thiết lập cơ chế tham vấn chưa phải là thỏa thuận thương mại, mà chỉ mở ra giai đoạn mới để hai bên tiếp tục đàm phán.
Giới phân tích cho rằng kết quả này báo hiệu khả năng hai bên sẽ đàm phán trong thời gian dài.
“Với vốn liếng chính trị đã đầu tư cho cuộc gặp lần này và cách họ mô tả về kết quả, hai bên có vẻ đã sẵn sàng cho ít nhất một đợt giảm thuế quan và có khả năng đạt được tiến triển trong những vấn đề khác như fentanyl trong thời gian tới”, ông Olson nhận định.
Không thể tiếp tục chiến đấu
Ông Brian Wong, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc và Thế giới đương đại tại Đại học Hong Kong, cho rằng dù Mỹ gọi kết quả lần này là “thỏa thuận” và “thành công”, Bắc Kinh vẫn sẽ tập trung cho việc củng cố quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới.
Rajiv Biswas, Tổng giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Asia-Pacific Economics tại Singapore, cho rằng việc cắt giảm thuế quan với hàng dệt may, quần áo và hàng điện tử xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể sẽ được đưa ra thương lượng, cùng với các mặt hàng năng lượng, nông sản của Mỹ xuất sang Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cam kết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để quản lý các khác biệt, mở rộng các lĩnh vực hợp tác và làm cho "chiếc bánh hợp tác lớn hơn", Tân Hoa xã đưa tin.
Ông Biswas dự đoán sẽ có nhiều vòng đàm phán diễn ra trong những tháng tới, nhưng "cuộc chiến công nghệ" giữa hai siêu cường trong lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ quốc phòng sẽ kéo dài.
Theo ông Wong, Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ không đạt được đột phá lớn nào để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, ngăn chặn dòng chảy của ma túy bất hợp pháp fentanyl hoặc buộc Trung Quốc mua "số lượng lớn" hàng hóa của Mỹ.
Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), cho rằng cuộc đàm phán vừa qua "giống như một thỏa thuận ngừng bắn" vì "họ không thể tiếp tục chiến đấu… Họ không có đủ nguồn lực".