Còn nhiều chông gai!

Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, phái đoàn cấp cao hai nước đã gặp nhau tại Saudi Arabia ngày 18/2 nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Ukraine. Song liệu điều này có dễ dàng đạt được?

Tình hình xung quanh Ukraine đang diễn biến nhanh chóng: Các cuộc tham vấn giữa quan chức cấp cao của Nga và Mỹ đã bắt đầu, các nhóm đàm phán của hai nước này đã được thành lập, Saudi Arabia đóng vai trò trung gian giữa Moscow và Washington, và một hội nghị thượng đỉnh không chính thức đã được tổ chức tại Paris, nơi các nhà lãnh đạo châu Âu “tỉnh mộng”, cố gắng tìm hiểu xem ai phải chịu trách nhiệm và cần phải làm gì để duy trì ảnh hưởng của châu Âu trong vấn đề Ukraine. Mặc dù ngày càng có nhiều đánh giá lạc quan về việc giải quyết xung đột, nhưng cần phải hiểu rằng con đường dẫn đến hòa bình và bản thân việc xây dựng một tiến trình hòa bình cho vấn đề Ukraine sẽ vô cùng khó khăn.

Trước hết, khó khăn nằm ở tốc độ thay đổi. Cả bộ máy trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump, các thành viên Quốc hội Mỹ hay giới lãnh đạo ở Kiev đều không thể theo kịp sự thay đổi của bối cảnh thảo luận và các điều kiện cho các cuộc đàm phán. Trở lại tháng 1/2025, các nước phương Tây vẫn kiên định trong việc duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine, nhưng ngày nay, theo cách diễn giải của Tổng thống Donald Trump, sự ủng hộ đó có thể được hiểu là một khoản vay phải kèm theo cả lãi suất.

Trước đây, việc mở rộng NATO không phải là vấn đề có thể thảo luận với các nước thứ ba. Ngày nay, bất kỳ vấn đề nào cũng có thể trở thành một phần của chương trình nghị sự, từ việc mở rộng Liên minh Bắc Đại Tây Dương cho đến quan hệ quân sự - chính trị của Nga với Iran hay Triều Tiên. Vào tháng 1/2025, các nước phương Tây vẫn còn lên án giới lãnh đạo Nga và cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là phi lý, gây ra sự hỗn loạn và vi phạm nhân quyền... Hiện nay, Tổng thống Donald Trump không chỉ đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm Joe Biden và Kamala Harris vì “đã gây ra cuộc chiến tranh”, mà còn nói rõ rằng quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin là “hợp lý” hoặc ít nhất là dễ hiểu trong tình huống đó. Những thay đổi nhanh chóng như vậy chắc chắn sẽ gây “sốc” cho các bên liên quan.

Một khó khăn khác là sự khác biệt về cách tiếp cận và mục tiêu của các bên trên bàn đàm phán. Giới lãnh đạo cấp cao của Nga và nhóm đàm phán của nước này tập trung sâu vào các vấn đề về Ukraine và an ninh châu Âu, và đang nỗ lực đạt được các thỏa thuận chi tiết, đặc biệt là loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng bất ổn hiện nay. Ngược lại, nhóm đàm phán Mỹ và cá nhân Tổng thống Donald Trump có vẻ như khá thờ ơ với các chi tiết, ưu tiên hơn đến việc tổ chức các cuộc trao đổi ngoại giao - sử dụng Ukraine như một công cụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Các nhà đàm phán Mỹ muốn nhanh chóng đạt được một kết quả nào đó nhằm khẳng định sự hiệu quả trong chủ trương đối ngoại của Tổng thống Donald Trump trước cả những người đã ủng hộ hay những người còn nghi ngờ ông trong cuộc bầu cử vừa qua.

Cuối cùng, những tiến trình hiện nay chắc chắn không thể làm hài lòng Ukraine và mối đe dọa cản trở các cuộc đàm phán từ phía Ukraine là khó tránh khỏi. Không khó hiểu khi giới lãnh đạo ở Kiev sẵn sàng bác bỏ cấu trúc cơ chế đàm phán do người Mỹ đề xuất và danh sách các vấn đề đã được nhất trí với phía Nga. Bài học trước đây vẫn còn nguyên giá trị khi tại Minsk và Istanbul, ngoại giao Ukraine đã thay đổi cách diễn đạt, bác bỏ các thỏa thuận đã đạt được, sắp xếp lại thứ tự thực hiện các điểm của thỏa thuận... Kết quả là, đàm phán rơi vào bế tắc hoặc không được thực hiện một cách đầy đủ khiến xung đột tái diễn.

Suy cho cùng, tương lai của Ukraine sẽ phải do người Ukraine quyết định và các nước lớn, cho dù có vai trò quan trọng như thế nào, thì cũng không thể bỏ qua tiếng nói của chính quyền và người dân nước này. Tuy nhiên, sự tham gia của Ukraine vào các cuộc đàm phán gần như chắc chắn sẽ đi kèm với một số lượng lớn các sửa đổi kỹ thuật và các cấu trúc pháp lý phức tạp. Theo đó, các cuộc đàm phán có thể rơi vào bế tắc hoặc có thể kết thúc bằng việc ký kết các văn bản bao gồm nhiều điều khoản mơ hồ và mong manh.

Cộng đồng quốc tế mong đợi sẽ sớm có hòa bình cho Ukraine, nhưng câu hỏi khó trả lời của các cuộc đàm phán hiện nay là hòa bình sẽ bao gồm những nội dung gì. Việc chấm dứt thù địch trên tuyến đối đầu chỉ là một phần của bài toán đàm phán phức tạp. Cần có cơ chế giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận. Nga cần có sự bảo đảm an ninh để loại trừ hoặc hạn chế đáng kể việc triển khai các căn cứ quân sự NATO, vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại và cơ sở hạ tầng khác ở các khu vực cận biên. Nga cũng cần có những bảo đảm để loại trừ các hoạt động quân sự có thể tái diễn của quân đội Ukraine nhằm đánh chiếm Donbass và Crimea, nơi mà Nga coi đã là một phần lãnh thổ của Nga.

Để đáp lại những yêu cầu trên, Mỹ có thể đòi hỏi những nhượng bộ lớn hơn về hồ sơ Trung Đông và Mỹ Latinh, hay sự phát triển không ngừng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) có thể khiến Mỹ e ngại và buộc nước này phải tìm cách thỏa hiệp với Nga.

Ngược lại, Moscow có thể sẽ không thỏa hiệp, vì xét cho cùng, quyền chủ động trên chiến trường hiện nay thuộc về quân đội Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh phương Tây đang thay đổi nhanh chóng, Nga sẽ không bỏ qua các cơ hội mới để đạt được thỏa thuận cơ bản với Mỹ về vấn đề Ukraine.

Rõ ràng, việc giữ một thứ chắc chắn và hiện có trong tay có giá trị hơn việc hy vọng vào những điều mơ hồ và không chắc chắn, cho dù chúng có vẻ hấp dẫn. Với Nga, một thỏa thuận hòa bình với Ukraine ở thời điểm này có thể sẽ mang lại cho họ nhiều lợi ích.

HÙNG ANH (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/con-nhieu-chong-gai-240149.htm
Zalo