Tháo gỡ rào cản thể chế, 'nâng cấp' hộ kinh doanh để kinh tế tư nhân bứt phá

Với Nghị quyết 68-NQ/TW vừa được ban hành, mục tiêu nâng số lượng doanh nghiệp lên 2 triệu vào năm 2030 được kỳ vọng trở thành cú hích mạnh mẽ cho khu vực này phát triển. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đó, không chỉ cần tinh thần khởi nghiệp, mà còn đặt ra yêu cầu nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn vốn kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân suốt nhiều năm qua.

Ngày 4/5 vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân, trong đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

Niềm tin, tầm nhìn và những "nút thắt" cần gỡ

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, như Nghị quyết 68 đã chỉ ra, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.

Nghị quyết 68 đặt ra những mục tiêu được nhận định là vừa cụ thể, vừa truyền cảm hứng, thể hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và xa hơn là năm 2045.

“Chỉ riêng mục tiêu nâng số lượng doanh nghiệp lên 2 triệu vào năm 2030 – gấp đôi hiện nay – cùng với việc phấn đấu để khu vực tư nhân đóng góp tới 58% GDP, chiếm 40% thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động, đã cho thấy niềm tin mạnh mẽ mà Đảng dành cho khu vực kinh tế tư nhân”, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp được đưa ra. Từ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.

Nhìn lại gần 8 năm thực hiện Nghị quyết 10, các cột mốc 2020 và 2025 đều chưa đạt được, cho thấy những rào cản vẫn còn rất lớn, cần có những điều chỉnh, cải cách hiệu quả, mang tính đột phá trong bối cảnh mới để đạt mục tiêu của năm 2030.

Nghị quyết 68 được đánh giá đã đi vào tận gốc rễ của vấn đề: cải cách thể chế. Một loạt những giải pháp mạnh mẽ được đưa ra như cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn bộ quy trình, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ tư duy "xin – cho" sang tư duy phục vụ… Bên cạnh đó, còn có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, khuyến khích chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu…

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, những giải pháp đó chính là chìa khóa tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế – nguyên nhân sâu xa kìm hãm sự phát triển của khu vực tư nhân suốt nhiều năm qua.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, để phát triển kinh tế tư nhân rất cần những giải pháp toàn diện, liên ngành, liên lĩnh vực, song giải pháp về cải cách thể chế vẫn là quan trọng nhất.

“Nâng cấp” hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp từ gần 1 triệu hiện tại lên 2 triệu vào năm 2030 là mục tiêu tham vọng nhưng khả thi. Một trong những hướng giải pháp quan trọng được đưa ra là thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Hiện nay, ngoài hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cả nước còn có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng phần lớn vẫn hoạt động dưới hình thức phi chính thức, nhỏ lẻ, chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hay nhận được các chính sách hỗ trợ chính thống.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Tập đoàn Tân Đông Hiệp đánh giá, hộ kinh doanh khi phát triển lên doanh nghiệp sẽ đóng góp cho sự phát triển của kinh tế tư nhân với đa dạng các lĩnh vực từ du lịch, dịch vụ đến sản xuất. Bà ví dụ, cộng đồng hộ kinh doanh tại TP HCM là nhóm đã phát triển bền vững qua hàng chục năm, tạo điều kiện cho họ thì thành phố sẽ có một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu.

Theo nghiên cứu của Economica Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2020, cả nước chỉ có gần 1.900 doanh nghiệp thành lập trên cơ sở chuyển từ mô hình kinh doanh cá thể. Trong một nghiên cứu khác do tổ chức này phối hợp với Chi cục Thống kê một số địa phương thực hiện, tỷ lệ hộ kinh doanh muốn thành doanh nghiệp chỉ ở mức 0,8% tại Hòa Bình và Lào Cai. Tại An Giang, hơn 1.000 hộ được hỏi đều không có ý định thay đổi.

Các rào cản khiến hộ kinh doanh ngần ngại “lên đời” đã được chỉ ra, bao gồm gánh nặng thuế khóa; chi phí tuân thủ; tính phức tạp trong vận hành; rủi ro bị kiểm tra, thanh tra nhiều hơn…

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cần có các cơ chế khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Ông đề xuất miễn thuế từ 3 - 5 năm đầu cho doanh nghiệp; đơn giản quy trình thủ tục, không bắt buộc áp dụng ngay mô hình quản trị của doanh nghiệp hoàn chỉnh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp các công cụ quản trị tài chính, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền minh bạch, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ kết nối với các doanh nghiệp lớn hơn, giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp và sản xuất.

Quốc hội Khóa XV đã bước vào Kỳ họp thứ chín từ đầu tuần này. Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho biết, để triển khai nghị quyết về kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua một nghị quyết về nội dung này và đây sẽ là khung thể chế để thực thi các giải pháp mà nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.

Hoàn toàn có thể tin tưởng, các mục tiêu phát triển kinh tế tư phân sẽ không trở thành xa vời khi các điều kiện thuận lợi cho việc "nâng cấp" hộ kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thể chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thời gian tới đi vào thực tế hơn nữa.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc dân

Nên nghiên cứu, xây dựng các cơ chế để doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn tích cực hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giảm áp lực lên doanh nghiệp Nhà nước và tạo môi trường công bằng, bình đẳng để các khu vực doanh nghiệp cùng cống hiến cho đất nước.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

Nên có một loại hình doanh nghiệp "gọn nhẹ" cho hộ kinh doanh chuyển đổi, cùng với các quy định quản trị, kế toán, báo cáo tài chính đơn giản. Loại hình này có thể cải cách từ "doanh nghiệp tư nhân" quy định trong Luật Doanh nghiệp, nhưng cần "bình dân hóa" để phù hợp với đa số hộ kinh doanh cá thể.

TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Nghị quyết 68 là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân. Việc tháo gỡ các rào cản về đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất. Nếu các cam kết "minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế" được luật hóa trong giai đoạn 2025 - 2028, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí tuân thủ.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tha-o-go-ra-o-ca-n-the-che-nang-ca-p-ho-kinh-doanh-de-kinh-te-tu-nhan-bu-t-pha-1106589.html
Zalo