Nhiều bluechip khởi sắc, VN-Index tăng mạnh áp sát mốc 1.270 điểm
Đà tăng bất ngờ của một số bluechip, với đầu tàu vẫn là VIC, cũng như nhiều mã vừa và nhỏ nổi sóng về cuối phiên đã giúp VN-Index bật lên và ghi nhận mức tăng gần 20 điểm lên 1.270 điểm.

Sau phiên giao dịch sáng tăng điểm nhẹ với thanh khoản chỉ dừng lại ở mức thấp do sự thận trọng của nhiều nhà đầu tư, thị trường bước vào phiên chiều đã khởi sắc hơn. Theo đó, một số bluechip đã bất ngờ tăng tốc, với đầu tàu VIC vẫn là cái tên sáng giá nhất khi chạm mức giá trần.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ khác ở nhóm bất động sản, khu công nghiệp, công ty chứng khoán cũng nới rộng đà đi lên.
Tâm lý lạc quan, cộng với việc nhà đầu tư vẫn tiết cung giá thấp đã giúp VN-Index tăng vọt gần 20 điểm so với tham chiếu lên trên 1.270 điểm, nhưng khá đáng tiếc sau đó bị đẩy ngược xuống đôi chút, đóng cửa ngay sát mốc điểm này.
Chốt phiên, sàn HOSE có 230 mã tăng và chỉ còn 92 mã giảm, VN-Index tăng 19,43 điểm (+1,55%), lên 1.269,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 806,2 triệu đơn vị, giá trị 19.113 tỷ đồng, tăng gần 6% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,4 triệu đơn vị, giá trị 705,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIC phiên này vẫn là tâm điểm, khi đã tăng kịch trần +7% lên 78.500 đồng - mức giá cao nhất trong gần 3 năm qua, khớp lệnh hơn 7,17 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,2 triệu đơn vị. Đóng góp của VIC đối với VN-Index cũng là lớn nhất khi tiếp sức gần 5 điểm tích cực.
Một số bluechip khác cũng nới đà tăng, với GVR cũng đã chạm sắc tím +6,8% lên 26.550 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị. Theo sau là PLX +6,6% lên 35.700 đồng, BCM +5,1% lên 60.000 đồng, FPT +4,2% lên 114.300 đồng, MSN +3,5% lên 63.000 đồng.
Các mã TCB, GAS, BID, STB, SHB, LPB có mức tăng từ 1,5% đến hơn 2,5%. Trong đó, SHB thanh khoản tăng vọt với hơn 89,2 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa vị trí thứ hai là MBB khi mã này khớp hơn 21 triệu đơn vị.
Phần còn lại ở rổ VN30, ngoài cổ phiếu BVH giảm không đáng kể và VPB đứng tham chiếu thì đều tăng điểm.
Như đã đề cập, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ ở các nhóm bất động sản, khu công nghiệp, công ty chứng khoán đã tăng tốc, với những cái tên như HHS, SGR, HQC, ITC đã tăng kịch trần đi kèm thanh khoản cao.
Các mã HCM, SIP, FTS, NBB, VPH, TCH, DRC, LHG, DPR, BSI, IJC, VDS, PHR, SZC, DSE tăng từ 3% đến hơn 6%.
Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng hoặc nới đà đi lên cũng đã giúp HNX-Index bật mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HNX có 89 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index tăng 1,77 điểm (+0,83%), lên 215,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,8 triệu đơn vị, giá trị 904,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,07 triệu đơn vị, giá trị 28,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu DL1 giữ vững sắc tím từ cuối phiên sáng +9,5% lên 8.100 đồng, khớp 3,39 triệu đơn vị.
Những cái tên khác đã tăng về cuối phiên, với mức tăng tốt thuộc về DTD +7% lên 18.200 đồng, AAV +6,1% lên 8.700 đồng, IDC +4% lên 39.000 đồng.
Các mã LAS, TNG, PLC, VFS, MBS, PVS, CEO cũng kết phiên tăng điểm, dù mức tăng chỉ 1-2%. Trong đó, SHS vượt trội về khối lượng khớp lệnh khi có hơn 15,3 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index gặp đôi chút khó khăn trong đầu phiên chiều khi giằng co quanh tham chiếu, nhưng với sự tích cực chung trên thị trường cũng đã bật lên sau đó, trước khi hạ nhiệt đột ngột về cuối ngày.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,06%), lên 92,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,9 triệu đơn vị, giá trị 481 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,89 triệu đơn vị, giá trị 37,7 tỷ đồng.
Nhóm các mã hút giao dịch nhất, ngoài BVB đứng tham chiếu và BCR, DDV giảm nhẹ, thì còn lại đều tăng.
Trong đó, hai cổ phiếu tăng tốt nhất là DRI +4,4% lên 12.000 đồng, khớp 2,14 triệu đơn vị và OIL +4,1% lên 10.100 đồng, khớp 1,85 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2505 tăng tới 30 điểm, tương đương +2,26% lên 1.355 điểm, khớp lệnh hơn 194.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế về cuối phiên, nhưng mã thanh khoản cao nhất là MBB2405 với 5,52 triệu đơn vị khớp lệnh lại chỉ có giá tham chiếu tại 550 đồng/cq. Theo sau là CFPT2504 với 2,8 triệu đơn vị và tăng 200% lên 30 đồng/cq.