Tái cấu trúc nền kinh tế để tăng khả năng chống chịu các 'cú sốc' từ bên ngoài

Ngày 8-5, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề 'Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam'.

Phát biểu tại tọa đàm, GS-TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, hiện nay quy mô xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm đến 30% kim ngạch xuất khẩu, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ chiếm đến hơn 20% tổng GDP nền kinh tế của Việt Nam.

Về cơ cấu, 70% hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ là những mặt hàng chế biến chế tạo chủ lực như điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ… Những mặt hàng này phần lớn là lĩnh vực sản xuất của khu vực FDI và cũng là động lực của nền kinh tế những năm qua.

Vì vậy, đây là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị những giải pháp ứng phó với những thay đổi, tác động từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và cũng là thời cơ tái cấu trúc lại để nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững, gia tăng khả năng chống chịu đối với những bất ổn từ thế giới.

Đề cập đến việc điều chỉnh chính sách thương mại Việt Nam trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng, PGS-TS Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, Việt Nam cần rà soát lại nhóm hàng xuất siêu sang Hoa Kỳ và đàm phán làm giảm áp lực về thuế vào nhóm hàng này.

Trong khi đó, PGS-TS Phan Hữu Nghị, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh, để giảm thiểu tác động từ các mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ, cách tiếp cận của Việt Nam cần hướng đến các mục tiêu như: giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến doanh nghiệp xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế; chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần chủ động về đàm phán thuế đối ứng với Hoa Kỳ và tránh những phát sinh “hậu đàm phán” với các đối tác khác như buộc phải xem xét lại danh mục hàng hóa với Trung Quốc, EU, Nhật Bản...

Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng chính sách để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định; rà soát lại các tác động về nguồn thu thuế, chuyển giao công nghệ, ảnh hưởng môi trường của các tập đoàn, công ty đa quốc gia tại Việt Nam để thu hút FDI có chọn lọc.

Đồng thời, cần xây dựng bền vững kinh tế địa phương bằng cách đầu tư vào hạ tầng, đào tạo lao động tại chỗ, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và gắn kết cộng đồng tại địa phương để tạo nên một nền kinh tế có khả năng chống chịu với các “cú sốc” từ bên ngoài.

LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tai-cau-truc-nen-kinh-te-de-tang-kha-nang-chong-chiu-cac-cu-soc-tu-ben-ngoai-post793982.html
Zalo