Tháo gỡ điểm nghẽn giúp thiết chế văn hóa và khoa học công nghệ của Thủ đô phát triển

Luật Thủ đô 2024 với những quy định rất cởi mở, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hợp tác công - tư về lĩnh vực văn hóa, trên tinh thần phát huy giá trị văn hóa Hà Nội để sự phát triển văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển văn hóa của đất nước. Bên cạnh đó, cho phép Hà Nội phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghệ AI, nghiên cứu công nghệ bán dẫn... những yếu tố nêu trên sẽ tạo cho TP Hà Nội đóng vai trò là dẫn dắt, đi đầu, lan tỏa trong quá trình phát triển.

Luật Thủ đô 2024:

Phố ẩm thực Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm.

Phố ẩm thực Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

TP Hà Nội đang lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP về khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô), với nhiều chính sách quan trọng.

Theo đó, khu vực phát triển thương mại và văn hóa được thành lập trên cơ sở khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa. Trên cơ sở đó, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống.

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, đối với Hà Nội, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hà Nội còn là TP đầu tiên tham gia mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một nghị quyết cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tại Điều 21 của Luật Thủ đô 2024, những điểm nghẽn như làm sao có thể khai thác được tiềm năng, lợi thế của bãi giữa sông Hồng, để không chỉ làm nên sức sống mới cho dòng sông này, mà còn tạo ra lợi thế mới, không gian mới cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và cả kinh tế - xã hội của Thủ đô đã được tháo gỡ bằng quy định “TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch”.

Đồng thời, những khó khăn trong việc biến di sản thành tài sản, để những giá trị của khu phố cổ, làng nghề truyền thống sẽ được giải quyết qua quy định về việc: “TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa...

Không chỉ dừng lại ở những quy định tại Điều 21, trên tinh thần phát huy giá trị văn hóa Hà Nội để sự phát triển văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển văn hóa của đất nước còn được thể hiện ở những quy định rất cởi mở, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa.

Đó là việc cho phép áp dụng phương thức đối tác công - tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn TP. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.

Luật Thủ đô 2024 cũng tháo gỡ điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng tài sản công bằng chính sách cho phép cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình là tài sản công quy định tại khoản 2 Điều 41 trên địa bàn TP được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, những tháo gỡ này sẽ không chỉ giúp cho các thiết chế văn hóa của Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm với trái tim văn hóa của cả nước, mà còn giúp cho các thiết chế văn hóa, thể thao lớn của Trung ương ở Hà Nội phát huy hơn nữa giá trị của mình, đóng góp nhiều hơn vào bức tranh văn hóa, thể thao chung của đất nước từ Thủ đô.

Điều này cũng sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Định hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Tạo cơ sở cho Hà Nội đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu

Làng phần mềm F-Ville tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Làng phần mềm F-Ville tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội có nhiều tiềm năng để hoàn thành công cuộc này, bởi Thủ đô là nơi tập trung những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, đó là cơ sở, tiềm năng để tạo ra đột phá dựa vào khoa học - công nghệ. Trong đó Luật Thủ đô 2024 đã tạo cơ sở pháp lý cho phép TP Hà Nội sử dụng ngân sách để phát triển khoa học - công nghệ.

Vượt qua khuôn khổ đó là cho phép nghiên cứu khoa học có rủi ro, để TP Hà Nội có thể làm những gì lớn nhất, tiên phong nhất. Bên cạnh đó cũng đưa ra những cơ chế để thu hút những nhà khoa học, những nhân tài với cơ chế đãi ngộ vượt trội.

GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhìn nhận, Luật Thủ đô 2024 đã cho phép TP Hà Nội phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghệ AI, nghiên cứu công nghệ bán dẫn... tập trung vào việc xây dựng khu vực lắp ráp và hướng tới sẽ xây dựng được khu vực sản xuất.

Cùng với đó, TP Hà Nội cũng tập trung vào phát triển những ngành nghề thế mạnh như các di sản văn hóa, làng nghề, khu vực sản xuất thủ công mỹ nghệ... trong định hướng của Luật cũng cho phép sử dụng công nghệ để nâng tầm di sản.

Hiện nay, TP Hà Nội đang dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Hồng, nhưng tập trung vào đó là những sản phẩm nông nghệ khoa học công nghệ cao. Sản xuất công nghiệp cũng vậy, không mang tính đại trà mà tập trung vào những sản phẩm công nghệ then chốt để lan tỏa cho các tỉnh khác... “những yếu tố nêu trên sẽ tạo cho TP Hà Nội đóng vai trò là dẫn dắt, đi đầu, lan tỏa trong quá trình phát triển” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo Luật Thủ đô 2024, tổ chức, doanh nghiệp được cho phép thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ do luật định. Cụ thể, các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, ưu tiên đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của TP.

Các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô; không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, biến đổi, chỉnh sửa gen người; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tổ chức, doanh nghiệp đề xuất thử nghiệm phải có phương án thử nghiệm; cam kết trách nhiệm đối với sự an toàn của người dùng và bên có liên quan; các biện pháp kiểm soát rủi ro; cơ chế giải quyết khiếu nại của người dùng; phạm vi và các biện pháp bồi thường thiệt hại. Đồng thời, phải cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh năng lực phù hợp với phương án thử nghiệm đã đề xuất.

Phạm vi giới hạn thử nghiệm được đề xuất phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền TP. Luật Thủ đô 2024 cũng quy định rõ thời hạn thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thao-go-diem-nghen-giup-thiet-che-van-hoa-va-khoa-hoc-cong-nghe-cua-thu-do-phat-trien-417297.html
Zalo