Năng lượng tái tạo ngày càng chi phối giá điện ở châu Á

Giá điện ở châu Á sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi chi phí tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện cũng như các giải pháp trữ điện tái tạo bằng pin, theo báo cáo gần đây của BMI, bộ phận nghiên cứu của của Fitch Solutions.

Một nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận. Năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào các lưới điện ở châu Á. Ảnh: Anh Đào

Một nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận. Năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào các lưới điện ở châu Á. Ảnh: Anh Đào

BMI cho biết, ảnh hưởng của điện than đến giá điện ở châu Á sẽ giảm dần vì tỷ trọng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng trong thập niên tới. Thay vào đó, giá điện sẽ ngày càng phản ánh chi phí tích hợp năng lượng tái tạo, hệ thống lưu trữ điện bằng pin và cơ sở hạ tầng lưới điện.

“Việc tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin sẽ là chìa khóa để quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra suôn. Tuy nhiên, chi phí liên quan sẽ tác động mạnh đến tổng chi phí của cuộc chuyển đổi năng lượng này”, báo cáo của BMI nhận định.

Điều này phản ánh thực tế rằng khi các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió ngày càng được sử dụng rộng rãi, việc đảm bảo ổn định và hiệu quả cho lưới điện trở nên phức tạp hơn. Để duy trì sự cân bằng giữa cung và cầu điện năng, các hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin được triển khai nhằm lưu trữ điện dư thừa và cung cấp khi cần thiết. Vì chi phí công nghệ trữ điện này rất tốn kém, giá điện cần phải tăng lên để bù đắp.

Trong khi thị trường điện của châu Á vẫn được quản lý chặt chẽ, BMI cho biết, một số cơ quan quản lý đang tiến hành cải cách để áp dụng giá điện phản ánh chi phí và tính thị trường. Đây là một trong những xu hướng chính sẽ gây áp lực tăng giá điện của khu vực trong năm nay.

Ví dụ, luật điện lực sửa đổi của Việt Nam, có hiệu lực vào tháng Hai,nhằm mục đích cải cách giá bán lẻ điện bằng cách loại bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Các đợt xem xét định kỳ về giá điện cũng sẽ được tiến hành 3-6 tháng một lần.

Một ví dụ khác là Trung Quốc, quốc gia sẽ loại bỏ dần hệ thống biểu giá điện ưu đãi (FIT) cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo kể từ tháng Sáu năm nay, yêu cầu tất cả điện từ các dự án năng lượng tái tạo phải được bán thông qua giao dịch thị trường. Điều này có thể dẫn đến cơ cấu giá điện năng động hơn và phản ánh các điều kiện thị trường theo thời gian thực.

Biểu giá điện ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo bằng cách cung cấp mức giá đảm bảo, dài hạn cho năng lượng tái tạo ở mức giá thị trường hiện tại hoặc cao hơn. Cách tiếp cận này có thể giúp giảm rủi ro và sự không chắc chắn của các dự án năng lượng tái tạo mới.

Một yếu tố khác đẩy giá điện tăng ở châu Á là nỗ lực của các công ty sản xuất điện và tiện ích nhà nước nhằm bù đắp tổn thất trong giai đoạn 2021-2023 do tác động của khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Giá dầu và khí đốt tăng vọt trong giai đoạn này do Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19 phục hồi chậm.

Dù nỗ lực này đã mang lại lợi nhuận kỷ lục cho các công ty nhiên liệu hóa thạch và dẫn đến giá điện cao hơn ở các thị trường tự do hóa, giá điện vẫn thấp và ổn định hơn ở các thị trường được quản lý như Trung Quốc và Indonesia. Điều này là do chính phủ các nước này đã hấp thụ chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao thông qua chính sách giá trần và trợ cấp.

Tại Trung Quốc, chính phủ áp dụng cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt, cho phép giá điện dao động trong biên độ ±20% so với mức cơ sở, nhằm phản ánh biến động chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, giá điện cho hộ gia đình, nông nghiệp và các ngành công ích vẫn được giữ ổn định, giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi tác động của giá năng lượng toàn cầu.

Tại Indonesia, chính phủ áp dụng trần giá than nội địa ở mức 70 đô la Mỹ/tấn và yêu cầu các nhà sản xuất than bán 25% sản lượng cho thị trường nội địa theo mức giá này. Điều này giúp Công ty điện lực nhà nước Indonesia (PLN) duy trì chi phí sản xuất điện thấp, từ đó giữ giá điện cho người tiêu dùng ở mức hợp lý. Chính phủ cũng bù đắp phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất và giá bán điện thông qua trợ cấp

Báo cáo của BMI trích dẫn kế hoạch tăng thuế điện công nghiệp của Malaysia trong giai đoạn 2025-2027 khi nước này cắt giảm trợ cấp nhiên liệu.

Trong khi đó, tháng 10 năm ngoái, Hàn Quốc tăng giá điện công nghiệp lên 9,7% để giải quyết những thách thức tài chính của Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) thuộc sở hữu nhà nước này. Tập đoàn này chịu khoản lỗ lũy kế khoảng 43 nghìn tỉ won (31,2 tỉ đô la) trong giai đoạn 2021-2023.

BMI cho biết, lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tăng cũng dự kiến sẽ thúc đẩy giá LNG tăng nhẹ ở châu Á. BMI dự báo, nhu cầu nhập khẩu LNG của khu vực sẽ tăng từ 573,3 tỉ mét khối vào năm 2025 lên 803,4 tỉ mét khối vào năm 2034.

Việc nhập khẩu LNG đã góp phần làm tăng giá điện vào năm 2024 trên toàn khu vực, với giá điện hộ gia đình trung bình tăng 2,3% và giá điện công nghiệp tăng 1,3%.

“Giá khí đốt tăng đang làm tăng chi phí điện trên khắp châu Á khi các thị trường mới nổi ngày càng chuyển đổi từ than sang khí đốt tự nhiên để sản xuất điện”, báo cáo của BMI cho biết.

Theo Business Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nang-luong-tai-tao-ngay-cang-chi-phoi-gia-dien-o-chau-a/
Zalo