Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số ở Vụ Bản

Từ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đầu năm 2025, ba xã của huyện Vụ Bản là Trung Thành, Hiển Khánh, Cộng Hòa đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số (CĐS).

Người dân tra cứu thủ tục hành chính trực tuyến tại xã Trung Thành.

Người dân tra cứu thủ tục hành chính trực tuyến tại xã Trung Thành.

Việc lựa chọn tiêu chí nổi trội CĐS trong xây dựng NTM kiểu mẫu là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện của cán bộ, đảng viên, người dân về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số. Từ quan điểm đó, UBND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo các phòng chức năng, đặc biệt là Phòng Văn hóa - Thông tin - Khoa học công nghệ; Phòng Nông nghiệp và Môi trường tập trung động viên, hướng dẫn các xã, thị trấn đầu tư, xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu nổi trội về CĐS. Các địa phương được chọn xây dựng NTM kiểu mẫu lĩnh vực CĐS đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các tổ chức hội, đoàn thể, thôn xóm và trong đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân. Trong đó, xác định nhiệm vụ nỗ lực xây dựng bộ phận "một cửa" của xã trở thành trung tâm CĐS để gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận "một cửa", tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác. Đồng thời, đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đến nay, các xã xây dựng NTM nổi trội về CĐS đã triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử và đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trực tuyến toàn trình... Kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Cùng với việc xây dựng chính quyền số, trên địa bàn các xã đều triển khai hệ thống camera phục vụ giám sát an ninh trật tự, kết hợp giám sát giao thông tại các điểm trọng yếu, các “điểm đen” về tai nạn giao thông, trật tự an toàn xã hội; lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt đến cấp huyện, cấp tỉnh và Chính phủ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và nhiệm vụ CĐS đến người dân trên địa bàn. Trong đó cán bộ thôn, xóm ứng dụng các nền tảng phục vụ CĐS của chính quyền: kênh zalo (UBND xã, Công an xã…), kênh facebook (các trang tuyên truyền của các đoàn thể xã), Trang thông tin điện tử xã, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh… để thực hiện hiệu quả hơn công tác thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt huyện Vụ Bản tập trung nâng cao vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng gồm các thành viên như: Bí thư, trưởng thôn, xóm, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên giỏi công nghệ, năng nổ có trách nhiệm để kiên trì vận động tiếp cận từng người dân, hướng dẫn họ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cũng như các dịch vụ số do Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp...

Chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ số trên địa bàn xã Hợp Hưng.

Chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ số trên địa bàn xã Hợp Hưng.

Bằng những biện pháp đồng bộ, cả 3 xã đáp ứng được 4/4 điều kiện công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định tại mục 1, Điều 4, Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; không chỉ đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của quy định xã NTM kiểu mẫu về CĐS mà còn vượt trội nhiều tiêu chí ở cả 3 trụ cột. Trong đó, tỷ lệ văn bản được ký số và được gửi đi theo quy định đạt 100%. Thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử tập trung của tỉnh đạt 100%. Tỷ lệ thủ tục hành chính cấp xã được giải quyết đúng hoặc trước thời hạn quy định đạt xấp xỉ 100%. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh đạt gần 90%. Các xã đều triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy với sự tham gia của đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh… Nỗ lực triển khai đưa các nông sản nổi bật, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử. Nhiều địa điểm quan trọng và các tuyến đường trục ở các xã được lắp đặt camera an ninh. Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ được thực hiện ở các đại lý, cửa hàng chuyên doanh lớn mà cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa nhỏ cũng áp dụng. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng đồng loạt triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trong giao dịch thương mại, góp phần công khai, minh bạch trong quản lý thuế, tránh thất thu ngân sách Nhà nước. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện. Nhà văn hóa thôn đều được lắp đặt wifi để người dân sử dụng miễn phí. Bảng led điện tử công cộng được lắp đặt tại trung tâm xã. Hệ thống đài truyền thanh thông minh bảo đảm phục vụ nhu cầu thông tin truyền thanh cho 100% hộ gia đình trên địa bàn xã. Hầu hết người dân đều hài lòng về kết quả xây dựng NTM kiểu mẫu và thừa nhận những tác động tích cực mà CĐS mang lại. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 của cả 3 xã đều đạt cao; trong đó các xã Trung Thành, Hiển Khánh đều đạt 87,22 triệu đồng/người, xã Cộng Hòa đạt 87,65 triệu đồng/người.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu đã làm cho các vùng nông thôn trong tỉnh đang từng bước trở thành những miền quê đáng sống. Những bài học kinh nghiệm của 3 xã huyện Vụ Bản trong xây dựng NTM kiểu mẫu rất thiết thực để các địa phương tham khảo, áp dụng nhằm giữ vững các tiêu chí xây dựng NTM, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu nổi trội về CĐS.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202504/kinh-nghiem-xay-dungnong-thon-moi-kieu-mauve-chuyen-doi-so-o-vu-ban-6af6170/
Zalo