Quả dừa Việt Nam thắng lớn, nông dân phấn khởi nhìn giá tăng từng ngày

Hai tháng đầu năm, xuất khẩu dừa tươi đạt hơn 33 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường lớn ưa chuộng các sản phẩm dừa tươi và dừa chế biến đến từ Việt Nam.

 Quả dừa Việt Nam thắng lớn tại thị trường Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Bến Tre Tourism.

Quả dừa Việt Nam thắng lớn tại thị trường Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Bến Tre Tourism.

Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), trong tháng 2, xuất khẩu dừa tươi Việt Nam đã thu về 13,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dừa tươi đạt 33,3 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024.

Lợi thế cạnh tranh quốc tế

Ngoài dừa tươi, sản phẩm chế biến từ dừa xuất khẩu đi các nước cũng có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, số liệu tháng 2 cho thấy xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa đạt 23 triệu USD, tăng đến 112% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 2 tháng, Việt Nam đã cung cấp 43,8 triệu USD các sản phẩm chế biến từ dừa cho nhiều nước trên thế giới, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2024.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Mỹ bắt đầu bước vào mùa nắng nóng nên nhu cầu tiêu thụ dừa rất mạnh.

Điều này giúp xuất khẩu dừa tươi cũng như các sản phẩm chế biến từ dừa tăng cao trong các tháng đầu năm.

Đồng thời, người Mỹ và Trung Quốc đặc biệt yêu thích dừa Việt Nam bởi sản phẩm có phần nước thơm, ngọt đặc trưng.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Trung Đông cũng là các thị trường chuyên nhập khẩu dừa tươi và các sản phẩm chế biến từ dừa của Việt Nam.

Trong các sản phẩm chế biến từ dừa, cơm dừa thường được thị trường châu Âu và Trung Đông nhập khẩu để sử dụng vào quá trình chế biến các món ăn. Còn sữa dừa và nước dừa đóng lon là nguyên liệu chính để sản xuất các chất phụ gia thực phẩm.

Với hơn 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến sản phẩm từ dừa, ngành dừa Việt Nam đang nắm giữ lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việt Nam hiện xếp thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 5 trên thế giới.

Dù vậy, để xuất khẩu thành công, các lô dừa phải trải qua quá trình kiểm định gắt gao. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ tịch HTX Dừa Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết quả dừa được thu mua tại vườn phải có mã số vùng trồng (MSVT) rõ ràng.

Ngoài ra, các yếu tố khác như lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong quá trình trồng và độ chín của quả thu hoạch cũng phải kiểm tra một cách nghiêm ngặt.

Thiếu nguồn cung nguyên liệu

Năm nay, ngành dừa đối mặt với tình trạng mất mùa nên sản lượng trái không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa và nước ngoài cao khiến giá dừa tươi và dừa khô nguyên liệu tăng vọt.

Trước đây, giá dừa tươi bán lẻ tại các vựa dừa ở TP.HCM chỉ khoảng 10.000 đồng/quả. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, nhiều nơi đã điều chỉnh giá bán lên 15.000 đồng/quả.

 Giá dừa tươi liên tục tăng cao do thiếu nguồn cung. Ảnh: ITN.

Giá dừa tươi liên tục tăng cao do thiếu nguồn cung. Ảnh: ITN.

Hiện tại, thời tiết nắng nóng hơn nên nhiều người ưa chuộng uống nước dừa tươi. Do đó, dừa tươi tiếp tục tăng thêm 5.000-10.000 đồng/quả. Trong khi đó, giá dừa khô tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng cao kỷ lục lên khoảng 20.000 đồng/quả.

Ông Tường cho biết sản phẩm dừa kim cương xuất khẩu do phía HTX Dừa Chợ Gạo sản xuất hiện ghi nhận mức giá tăng đến 50% so với trước đây, rơi vào khoảng 22.000 đồng/quả.

“Thời gian gần đây, nông dân trồng dừa phấn khởi khi giá dừa liên tục có chiều hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm cũng khiến cho các doanh nghiệp lo lắng. Vì vậy, trong tương lai, giá dừa tươi và dừa nguyên liệu sẽ tăng thêm khoảng 50%”, ông Tường dự báo.

Lý giải về việc nguồn cung dừa khan hiếm, ông Nguyên cho biết trước đây, sản phẩm dừa Việt Nam chưa đạt được các thỏa thuận để xuất khẩu đi nước ngoài. Do đó, giá dừa xuống thấp kỷ lục làm nông dân không mấy "mặn mà" trong việc chăm sóc cũng như phát triển thêm nhiều giống dừa mới.

“Trong trường hợp không chăm sóc cẩn thận, cây dừa dễ dàng bị sâu bệnh nên năng suất cây trồng giảm rõ rệt. Do đó, khi nhiều nước đồng loạt đặt hàng các sản phẩm dừa tươi và dừa chế biến, việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu là điều dễ hiểu”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có 200.000 ha dừa với sản lượng 2 triệu tấn một năm. Trong đó, 1/3 diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/qua-dua-viet-nam-thang-lon-nong-dan-phan-khoi-nhin-gia-tang-tung-ngay-post1549861.html
Zalo