Thanh tra đột xuất dự án nhà ở tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phát triển nhà ở xã hội hoặc các vụ việc có khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân.

9 nhiệm vụ chấn chỉnh thị trường bất động sản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh ngày 17/2 đã ký quyết định 110 ban hành kế hoạch thực hiện Công điện 130 năm 2024 của Thủ tướng về tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội và chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.

Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Thanh tra Bộ Xây dựng, Vụ Pháp chế, đơn vị liên quan phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện 9 nhiệm vụ chấn chỉnh thị trường bất động sản trong năm 2025.

Theo đó, bộ yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phát triển nhà ở xã hội hoặc các vụ việc có khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân.

Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thanh tra bộ phối hợp với Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới bất động sản trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực, dự án có hiện tượng bất thường để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Trong kế hoạch vừa ban hành, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đôn đốc các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp theo quy định, thực hiện nghiêm việc dành 20% quỹ đất dự án nhà ở, khu đô thị làm nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, bộ yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất đề án thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý; Phối hợp với các đơn vị Bộ Công an cập nhật, hoàn thiện, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công chứng, đất đai, đầu tư, xây dựng.

Các dự án bất động sản tăng nhanh chóng một cách bất bình thường

Theo báo cáo mới nhất của Savills, phân khúc chung cư tại thị trường thứ cấp cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là các dự án gần các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 2A và 3, nơi giá thứ cấp tăng 24% theo quý, cao hơn mức trung bình của thị trường 4 điểm %.

Kể từ năm 2020, giá bán thứ cấp trung bình tăng 22% mỗi năm. Theo đó, phân khúc chung cư hạng C ghi nhận mức tăng cao nhất đạt 26% mỗi năm, tiếp theo là hạng B với 20% và hạng A với 19%.

Liền kề, biệt thự, giá bán thứ cấp cũng có sự tăng trưởng. Theo đó, giá thứ cấp của biệt thự tăng 5% theo quý đạt 178 triệu đồng/m2 đất. Giá liền kề tăng 6% theo quý đạt 198 triệu đồng/m2 đất và nhà phố thương mại tăng 4% theo quý lên 245 triệu đồng/m2 đất. Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá sơ cấp và thứ cấp đã nới rộng đáng kể. Giá biệt thự thứ cấp rẻ hơn 46% so với giá sơ cấp, trong khi giá liền kề thứ cấp rẻ hơn 29%. Giá nhà phố thương mại thứ cấp thấp hơn 23% so với giá sơ cấp.

Dự án 53 Triều Khúc thành đất ở, thương mại, dịch vụ văn phòng khi chưa thực hiện việc sắp xếp lại cơ sở nhà đất khi hết thời hạn góp vốn liên doanh. Ảnh: Quang Lộc.

Dự án 53 Triều Khúc thành đất ở, thương mại, dịch vụ văn phòng khi chưa thực hiện việc sắp xếp lại cơ sở nhà đất khi hết thời hạn góp vốn liên doanh. Ảnh: Quang Lộc.

Chia sẻ về giá các dự án tăng trưởng bất thường trong thời gian qua, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cao cấp CBRE chi nhánh Hà Nội nói: "Gần như lần đầu tiên chung cư Hà Nội tăng giá nhanh trong thời gian ngắn như vậy". Theo bà, phân tích lịch sử chỉ ra rằng khoảng 10 năm vừa qua, giá chung cư Hà Nội tăng trung bình 5%/năm. Thậm chí giai đoạn 2009-2019, giá chung cư ít biến động, có thời gian giảm giá và trung bình chỉ tăng 2%/năm. Từ năm 2022 đến nay, giá chung cư tại thành phố này mới bắt đầu tăng nhanh.

Ông Lê Đình Chung, chuyên gia bất động sản, cho biết xu hướng tăng giá bất động sản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc giá bất động sản tăng trưởng mạnh trong một thời gian rất ngắn là điều bất bình thường. "Giá bất động sản tăng cao, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất khan hiếm so với nhu cầu. Chi phí đầu tư tăng cao, khiến các chủ đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận", ông Chung nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), đánh giá giai đoạn vừa qua giá chung cư tăng bất thường, đặc biệt tại Hà Nội.

Hiện tượng này chắc chắn có sự tác động từ nhóm lợi ích trong khi bối cảnh kinh tế, thị trường cũng như thu nhập của người dân chưa hồi phục. "Giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện, đây có thể là chiêu trò nào đó của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng", ông Đính thẳng thắn đánh giá.

Theo ông Đính, những nhóm lợi ích này thực hiện được các chiêu trò thổi giá xuất phát từ thực tế nguồn cung căn hộ chung cư đang có vấn đề. Trong vài năm gần đây, thị trường không có dự án mới được phê duyệt cấp phép đầu tư. Các dự án trên thị trường chủ yếu là dự án cũ và được mua đi bán lại. Nguồn cung vừa thiếu vừa kém chất lượng, cung cho người dân, người thu nhập thấp rất ít, cấu trúc sản phẩm không phù hợp.

Bình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thanh-tra-dot-xuat-du-an-nha-o-tang-gia-bat-thuong-10300110.html
Zalo