Thanh Hóa xây dựng tượng Phật Đại Nhật Như Lai lớn nhất thế giới trên đỉnh núi Nưa

Công trình tâm linh biểu tượng có chiều cao 167,5m, tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027.

Tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai dự kiến xác lập kỷ lục bức tượng Phật lớn nhất thế giới

Tôn tượng Phật Đại Nhật Như Lai dự kiến xác lập kỷ lục bức tượng Phật lớn nhất thế giới

Tọa lạc trên đỉnh núi Nưa linh thiêng (Thanh Hóa), tượng Phật Đại Nhật Như Lai – tâm điểm của Quần thể du lịch tâm linh “Huyền tích Am Tiên” – được kỳ vọng trở thành bức tượng Phật lớn nhất thế giới, biểu tượng kiến trúc Phật giáo mới của Việt Nam.

Theo Tập đoàn Sun Group, đơn vị đầu tư và phát triển dự án, tượng Phật Đại Nhật Như Lai sẽ cao 167,5m, vượt kỷ lục hiện tại do Trung Nguyên Đại Phật (Trung Quốc) nắm giữ (153m).

Riêng phần thân tượng từ chân đến đỉnh đầu đã cao 108,9m, cao hơn 90cm so với tượng Phật tại Trung Quốc.

Tượng được đặt trên đài sen trắng cao 13,6m và khối đế hình hoa sen cao 45m, tạo thế “tọa sơn hướng thủy” đắc địa, lưng tựa núi Nưa, mặt hướng ra ngã ba sông Chu, sông Mã.

Tôn tượng được chế tác từ đồng đỏ nhập khẩu, gia công theo công nghệ châu Âu, sau đó mạ bạc để phù hợp với thiết kế tổng thể của “khu du lịch tâm linh trắng”.

Theo các nhà đầu tư, hình ảnh tượng Phật trắng uy nghi giữa không gian linh thiêng sẽ là điểm nhấn biểu tượng cho tâm linh, trí tuệ và tinh thần bất khuất được lấy cảm hứng từ voi trắng một ngà mà Bà Triệu cưỡi ra trận.

Phối cảnh Dự án Huyền tích Am Tiên

Phối cảnh Dự án Huyền tích Am Tiên

Dự án thuộc hạng mục đầu tiên trong Quần thể du lịch tâm linh và di tích lịch sử Am Tiên, mang tên “Huyền tích Am Tiên”, với tổng mức đầu tư dự kiến 35.000 tỉ đồng.

Quần thể bao gồm khu dịch vụ thương mại, tuyến cáp treo Am Tiên, không gian lễ bái, nghệ thuật 3D mapping Phật giáo, cùng hệ thống hạ tầng phục vụ du khách.

Nhà điêu khắc Phạm Bá Đua – người từng đắp mẫu tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ở Tây Ninh là trưởng nhóm thiết kế và chế tác tượng.

Các thông số của công trình đều gây ấn tượng mạnh: thể tích tượng lên đến 69.110m³ (gấp hơn 21 lần tượng Phật Bà ở Tây Ninh), ngón chân cái cao 1,67m, tương đương một người trưởng thành, bàn tay phải dài hơn 7,4m, tay trái dài gần 12m, thủ ấn Vô Úy và Thí Nguyện.

Phía dưới đài sen sẽ là trung tâm cầu nguyện, không gian chiêm bái và trải nghiệm văn hóa Phật giáo thông qua trình diễn nghệ thuật ánh sáng hiện đại.

Dù thông thường việc thi công các công trình Phật giáo quy mô lớn có thể kéo dài 8–10 năm, Sun Group cho biết tiến độ xây dựng đã được tính toán kỹ lưỡng và rút ngắn đáng kể.

Dự kiến đến cuối năm 2027, công trình sẽ hoàn tất và mở cửa đón du khách.

Việc xây dựng tượng Phật Đại Nhật Như Lai không chỉ góp phần làm phong phú thêm bản đồ du lịch tâm linh Việt Nam, mà còn là điểm nhấn mới của Thanh Hóa trên bản đồ du lịch văn hóa – tâm linh khu vực và quốc tế.

NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/thanh-hoa-xay-dung-tuong-phat-dai-nhat-nhu-lai-lon-nhat-the-gioi-tren-dinh-nui-nua-130639.html
Zalo