Những người con vùng đất Cổ Định xưa
Cổ Định xưa, thị trấn Nưa (Triệu Sơn) gắn liền với truyền thuyết ông Nưa mà hiện thân là ngọn núi Nưa - tượng trưng cho sức khỏe vô địch và ý chí phi thường. Và vùng đất ấy còn là đất học, đất của văn quan, võ tướng.

Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh - đền thờ Lê Tộc công thần ở thị trấn Nưa (Triệu Sơn).
Làng tiến sĩ
Mỗi địa danh của Cổ Định đều thấm đẫm nhiều giai thoại để giải thích cho vùng đất thiêng đã sinh ra những nhân tài. Cổ Định có tới 20 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh, qua đó cho thấy, đây không chỉ là nơi phát triển và giữ gìn được văn hóa tín ngưỡng mà còn khẳng định đây là vùng đất có nhiều danh nhân.
Có thể nói mỗi tên đất, tên người, tên làng ở thị trấn Nưa ngày nay như là cuốn phim tư liệu về vùng đất hiếu học, về truyền thống yêu nước. Trong dân gian truyền tụng câu ca “Văn chương Cổ Định, Cổ Đôi” (Cổ Đôi nay thuộc xã Hoàng Giang, Nông Cống). Tiêu biểu cho truyền thống hiếu học trên đất Cổ Định xưa là những vị tiến sĩ như: Lê Thân, đỗ Bảng nhãn năm Hưng Long thứ 7 (1299), triều Trần Anh Tông, ông được vua ban tước Luật Quận công. Cũng đời vua Trần Anh Tông, trên đất làng Cổ Định có Doãn Bằng Hài, đỗ tiến sĩ năm Hưng Long thứ 12 (1304). Sau này có Doãn Đình Tá, đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi, khoa Kỷ Mùi (1499), ông từng làm quan đến Hiến sát sứ; Lê Bật Tứ, đỗ tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1598), có 29 năm làm quan cho 4 đời vua Lê chúa Trịnh thời Lê Trung hưng, làm đến chức Thượng thư bộ binh. Lê Nhân Kiệt, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1661), làm quan đến chức Hình khoa đô cấp sự trung...
Ngay trong dòng họ Lê của Lê Bật Tứ, ngoài ông ra còn có 5 người đỗ tiến sĩ gồm: Lê Duy Thúc, Lê Duy Xứ, Lê Thân, Lê Vô Trụ, Lê Hanh Phủ (căn cứ vào văn bia Phụ minh tịnh ký).
Sách “Dư địa chí huyện Triệu Sơn” có ghi rất rõ 3 vị tiến sĩ là Doãn Đình Tá, Lê Bật Tứ, Lê Nhân Kiệt đã được khắc tên trên văn bia ở Văn Miếu Quốc tử giám.
Có một điều rất đặc biệt là những cử nhân tiến sĩ xưa ở Cổ Định không chỉ giỏi về văn biểu, thơ phú mà luôn đem sự hiểu biết của mình ra giúp vua trị nước, an dân. Chuyện Hoàng giáp Lê Bật Tứ cho đào mương tiêu nước ra sông Hón, hay ông Cử Nhị (Lê Trọng Nhị) người tham gia chống thuế ở Trung kỳ cho mở trường học, mở chợ Nưa để phát triển kinh tế, mở mang dân trí; Doãn Tử Tư giúp vua Lý khi đưa kế sách lâu dài để chống lại nhà Tống; Lê Thân soạn thảo Bộ Hình luật được vua Trần Dụ Tông khen ngợi, ban tước; cử nhân Lê Ngọc Toản luyện binh xây dựng căn cứ chống Pháp...
Với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Sau khi tiêu diệt được nhà Hồ, nhà Minh chính thức đặt ách đô hộ lên đất nước ta. Để chống lại sự tàn bạo của nhà Minh, Nhân dân ta liên tiếp nổi dậy. Năm 1414-1417, Nguyễn Chích người làng Vạn Lộc (Đông Sơn) đã lấy núi Hoàng Nghiêu làm căn cứ chống giặc. Nhân dân Kẻ Nưa đã tích cực đóng góp lương thảo, khí giới ủng hộ nghĩa quân. Đặc biệt, có 3 anh em họ Doãn ở Cổ Định là Doãn Luận, Doãn Lại, Doãn Thịnh đã tham gia và lập được nhiều công trạng. Trong một lần đi tiếp tế lương thực cho căn cứ, cả 3 anh em đều bị bắt. Sau khi trốn thoát, Doãn Thịnh (sau lấy tên là Doãn Nổ) tìm về Lam Sơn theo Lê Lợi. Các sách “Lam Sơn thực lục”, “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi rõ những đóng góp của Doãn Nổ trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông được phong Thượng tướng, trực tiếp cầm quân ra trận và lập được nhiều chiến công. Từ vai trò của Doãn Nổ mà nhiều người khác ở Cổ Định đã gia nhập nghĩa quân Lam Sơn.
Cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, định công lao các vị khai quốc công thần có nhiều đóng góp được mang họ vua, Doãn Nổ được ban quốc tính (Lê Nổ), nhập tịch Khả Lam, phong Trụ quốc thượng tướng quân, tước quan phụ hầu.
Và khai quốc công thần Lê Lôi
Theo tộc phả của dòng họ Lê Đình hậu duệ Lam Sơn khai quốc công thần, Lê Lôi sinh ra và lớn lên ở Cổ Định xưa (nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn). Ông là con trai út của tiến sĩ Lê Duy Duật.

Lăng mộ của tướng quân Lê Lôi được xây dựng trong khuôn viên của đền thờ.
Lớn lên trong gia đình có chữ, lại thêm có dũng khí khác thường, dám mưu nghiệp lớn, vì thế ông là một trong số những người đầu tiên tham gia nghĩa quân Hoàng Nghiêu của tướng Nguyễn Chích. Và ông cũng là người theo Nguyễn Chích đến trại Khả Lam đầu quân cho khởi nghĩa Lam Sơn.
Sách Danh nhân Triệu Sơn có viết: “Chính Lê Lôi chỉ huy một mũi đánh tan đạo quân và bắt sống tướng giặc Nhậm Năng”.
Ngoài ra, tháng 1/1427, nhà Minh quyết định cử viện binh sang cứu Vương Thông. Trong lần chặn đánh quân tiếp viện, Lê Lôi cùng với Trịnh Khả tiêu diệt những đồn bốt của quân Minh đóng rải rác từ Việt Trì đi ải Lê Hoa - Hà Giang. Đồng thời, hành quân lên cùng với cánh quân của Phạm Văn Xảo đón đánh Mộc Thạch từ Tây Bắc tiến xuống...
Mười năm kháng chiến chống quân Minh thành công, ông được phong là khai quốc công thần xa kỵ tướng quân, tước quan nội hầu và ban lộc điền ở vùng chân núi Hoàng Nghiêu...
Về đền thờ Lê Tộc công thần ở khu phố 5, thị trấn Nưa (Triệu Sơn), ông Lê Đình Lâm, hậu duệ của tướng quân Lê Lôi chia sẻ: "Chúng tôi vừa mới tổ chức lễ dâng hương, kỷ niệm 597 năm ngày phong hầu của Lam Sơn khai quốc công thần tả xa kỵ Đại tướng quân Lê Lôi. Tài liệu về cụ không còn nhiều. Ngày giỗ kị cụ, con cháu chúng tôi cũng không biết chính xác. Tuy nhiên, những cống hiến của cụ đã góp phần làm nên thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn. Ghi nhớ công lao của cụ, con cháu đã chung tay sửa sang lại đền thờ to đẹp, khang trang".
Lần giở những “trang sử vàng” của mỗi vùng đất, mà ở đó luôn có sự cống hiến của những cá nhân kiệt xuất. Trên vùng đất Cổ Định xưa, thị trấn Nưa ngày nay là bóng dáng của rất nhiều những vị văn quan, võ tướng, trong đó có tướng quân Lê Lôi.