Đắp tai cài trốc
Khi cho rằng trốc còn nghĩa là trên như vừa xét trong câu 'Ăn trên ngồi trốc', liệu có chủ quan?
Trong câu thành ngữ "Đắp tai cài trốc", về từ "trốc", trước hết ta hãy khảo sát từ vài áng thơ Nôm, chẳng hạn, "Xanh xanh trên trốc là trời" (Tứ thời khúc vịnh) của Hoàng Sĩ Khải (thế kỷ XVI), "Ra vào cài trốc đắp tai" (Thiên Nam ngữ lục)..., ta dễ dàng xác định trốc là tiếng Việt cổ, có nghĩa là đầu - vẫn còn sử dụng trong lời ăn tiếng nói của người miền Trung. Tuy nhiên, với văn liệu vừa nêu, ta hiểu thế nào về từ "đắp"?
Từ này còn có thể tìm thấy trong nhiều văn bản cổ: "Đống vàng phi nghĩa tai thường đắp/ Kho gấm vô nhân mặt chẳng hề" (Hồng Đức quốc âm thi tập)… Nếu tính từ thế kỷ XIV đã sử dụng từ "đắp", thú vị thay đến đầu thế kỷ XX, ta vẫn thấy trong thơ Nguyễn Khuyến: "Chuyện đời hãy đắp tai, cài trốc/ Lộc thánh đừng lừa nạc bỏ xương".

(Ảnh minh họa từ Internet)
Về từ đắp, "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) giải thích: "1. Phủ lên người khi nằm: đắp chăn, đắp chiếu; 2. Đặt, chồng lên thành lớp cho gồ cao: đắp đập be bờ, đắp đường, đắp đê chống lụt; 3. Nặn (tượng): đắp tượng". Với những câu thơ trên, ta hiểu nghĩa nào? Không theo nghĩa nào cả, "đắp" trong ngữ cảnh vừa nêu trên là che, bịt (tai) không muốn nghe.
Nay, cụm từ "đắp tai, cài trốc" cũng như "Mắt lấp tai ngơ" ít sử dụng, nếu còn chăng là câu thành ngữ tương tự: "Mũ ni che tai" - nhằm chỉ sự bàng quan. Có lúc, có nơi người ta lại không dùng từ đắp, bằng chứng là ở Quảng Bình có câu tục ngữ "Đi cúi tai, về cúi trốc".
Với từ trốc, ta có hàng loạt từ đi chung như trốc cúi (đầu gối), trốc núi (đỉnh núi), trốc tủ (nóc tủ), bạc trốc (bạc đầu), cạo trốc (cạo đầu)… Thêm nữa còn có những câu cửa miệng liên quan đến từ trốc như "Ăn thì cúi trốc, kéo nốc thì than". Cúi trốc là cúi đầu "ăn thủng nồi trôi rế", ăn lấy ăn để, ăn cho no cho bưa nhưng đến lúc làm việc nặng như kéo nốc (kéo ghe thuyền) lại than/ than thở, tìm cách né tránh.
Vậy, suy ra trốc trong thành ngữ "Ăn trên ngồi trốc" có nghĩa là đầu?
Tôi nghĩ là không, vì rằng xét về "quy luật" của phép đối xứng trong một câu cửa miệng, cụ thể trong câu này, ta thấy có 2 vế tiểu đối "ăn trên/ ngồi trốc". "Ăn" và "ngồi" đều là động từ nhằm chỉ về hành động, cả hai "ngang cơ" nhau; "trên" và "trốc" cũng "cùng hội cùng thuyền", cùng có nghĩa như tương tự.
Ở đây, trốc không hiểu theo nghĩa đầu/ cái đầu mà chỉ vị trí như đầu - đuôi, đầu - cuối, trên - dưới, cao - thấp... Thế thì, "Ăn trên ngồi trốc" là "ăn trên ngồi trên". Do từ trốc dần dà phai nghĩa theo năm tháng nên câu này được diễn đạt thành "Ăn trên ngồi trước".
Khi cho rằng trốc còn nghĩa là trên như vừa xét trong câu "Ăn trên ngồi trốc", liệu có chủ quan? Ta hãy đọc lại những áng văn cổ như "Thái hậu xem thấy hãi hùng/ Cá nằm trốc thớt đao hồng cầm tay" (Thiên Nam ngữ lục), "Đạo quân thân nhẫn dầu ai lỗi/ Hổ xanh xanh ở trốc đầu" (Quốc âm thi tập). Xin giải thích "nhẫn dầu" cũng tựa "dầu nhẫn" có nghĩa ví như, nếu như; hổ là thẹn/ hổ thẹn; xanh xanh là trời xanh. Rõ ràng, trốc không chỉ có nghĩa là đầu, tùy ngữ cảnh được hàm nghĩa là trên/ ở trên/ phía trên.
Trong tự điển của người miền Nam, cụ thể "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) trốc được hiểu theo nghĩa: "Lốc, bứng đi cả vầng, bứng cả rễ, mất chơn đứng, đổ nhào xuống". Lưu ý, khi tự vị này viết: "bứng đi cả vầng" có thể chúng ta khó hiểu chăng? Vầng là một cách phát âm của vừng, nghĩa là một khối lớn. Với câu "đất lỡ cả vầng" là đất lỡ cả khối, "vầng đất" còn có cách nói "bặng đất", là cả lớp, cả khối.
Khi ai đó nói: "Gió thổi trốc cây", là gió thổi ngã cây, bứng cả gốc lẫn rễ khiến nó ngã nhào, Trường hợp này còn gọi "trốc chang", chang là chân, cái cây đó bị gió thổi mất chân đứng, rễ nằm trên mặt đất, ngã sóng soài cả cành lẫn rễ. Từ hình ảnh này, người miền Nam xưa có câu "Thua trốc chang" là thua từ đầu đến chân, thua sạch sành sanh, thua từ A đến Z, thua toàn tập.
Vậy, khi viết những câu văn bằng chữ Hán, có nghĩa như "trốc" của người Việt, tác giả dùng từ gì? Xin thưa, đó là từ "đầu". Người Việt vay mượn từ "đầu" để sử dụng, dần dà bỏ quên từ Việt cổ là trốc, do đó, có vùng miền còn lưu lại sử dụng nhưng người từ nơi khác đến lại không hiểu là thế.