'Thần tốc' hoàn thiện chính sách đặc biệt, tạo 'bệ phóng' cho kinh tế tư nhân
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế - Tài chính bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là cấp thiết. Dự thảo Nghị quyết đã được Bộ Tài chính soạn thảo, hoàn thiện rất nhanh nhằm sớm đưa các chính sách 'đột phá' vào thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho khu vực kinh tế này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương. Ảnh: internet
Phóng viên: Sáng nay, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Thưa ông, vì sao chúng ta cần phải ban hành ngay Nghị quyết này?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết này, chúng ta phải nói đến Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 68-NQ/TW nằm ở trong “bộ tứ chiến lược” đã được Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đề cập nhiều lần. “Bộ tứ chiến lược” ở đây gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Gọi là “bộ tứ chiến lược” bởi 4 nghị quyết này phải đồng hành cùng với nhau, tương tác hỗ trợ nhau.
Nghị quyết của Đảng mang tính định hướng, để có đủ cơ sở về mặt pháp lý, pháp luật triển khai thì Quốc hội phải ra Nghị quyết hoặc luật, hay Chính phủ ra nghị quyết, nghị định hay Thủ tướng Chính phủ ra quyết định… Do đó, khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời thì Quốc hội có ngay Nghị quyết số 193/2025/QH15 để triển khai Nghị quyết này.
Hiện nay, sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, Quốc hội đang thảo luận để hoàn thiện, ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế tư nhân. Bởi nếu không có những cơ chế, chính sách cụ thể sẽ không thể triển khai được trong thực tiễn, có thể xảy ra xung đột, vi phạm với các luật khác.
Ví dụ như, trong Nghị quyết số 68-NQ/TW có nêu, các doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng tiếp cận các nguồn lực tài nguyên, tài chính. Nhưng nếu Quốc hội không ban hành nghị quyết thì doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận, không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Hay như nội dung "không hình sự hóa quan hệ kinh tế" nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định thì các cơ quan chức năng cũng không có cơ sở để áp dụng.
Để Nghị quyết số 68-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống thì phải được luật hóa. Thời gian tới cũng sẽ có nhiều luật cần phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW. Trước mắt, Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân là cấp thiết, thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW, là căn cứ pháp lý chính thức để các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thực hiện. Theo đó, “những cái gì làm được ngay thì làm ngay”, việc ban hành Nghị quyết mang tính kịp thời rất cao nhằm đưa tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW vào đời sống kinh tế - xã hội để thực hiện ngay.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về các cơ chế, chính sách đặc biệt được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Nghị quyết số 68-NQ/TW của Trung ương nói rất rõ, rất chi tiết các nội dung để phát triển kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội đã bám rất sát các nội dung tại Nghị quyết số 68-NQ/TW. Hầu hết các vấn đề nêu trong Nghị quyết số 68-NQ/TW đều được cơ quan soạn thảo đề cập.
Dự thảo Nghị quyết có 7 chương, 17 điều, chỉ có 2 điều thi hành, còn lại 15 điều quy định cụ thể các cơ chế, chính sách. Trong 15 điều này, điều nào tôi cũng tâm đắc. Nhất là các chính sách ưu đãi thuế được doanh nghiệp rất mong mỏi. Chính sách này sẽ tác động tích cực đối với các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Do đó, cũng cần tính toán đến vấn đề này để doanh nghiệp vẫn được lợi nhưng tổng thể nền kinh tế phải đi lên.
Ngoài chính sách ưu đãi thuế, dự thảo Nghị quyết còn có chính sách hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn; chính sách tiếp cận, bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới sáng tạo. Hay như các chính sách để chống độc quyền, tức là bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để không có trường hợp “cá lớn nuốt cá bé”; hỗ trợ các doanh nghiệp lớn là vươn ra toàn cầu.
Hay như quy định chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật thông cấm. Hoặc như chính sách "không hình sự hóa" các vấn đề về kinh tế; giữa hình sự và dân sự thì phải ưu tiên dân sự; nếu hình sự thì phải cho phép doanh nghiệp được khắc phục hậu quả...
Đó là những quy định rất đổi mới. Nhìn chung, 15 điều của dự thảo Nghị quyết đều lắng đọng, đó là các cơ chế, chính sách rất là tốt để cho cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Phóng viên: Vậy theo ông, các chính sách đổi mới đó sẽ tác động như thế nào đến khu vực kinh tế tư nhân cũng như mục tiêu tăng trưởng? Ông đánh giá như thế nào khi cơ quan soạn thảo hoàn thiện và trình Quốc hội dự thảo chỉ trong hơn 10 ngày?
Đại biểu Nguyễn Quang Huân: Nghị quyết số 68-NQ/TW là sự kế thừa, phát triển lý luận của Đảng từ Nghị quyết Trung ương 10, khóa XII đến Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là sự kế thừa và phát triển liên tục lý luận của Đảng để kinh tế tư nhân và đất nước phát triển mang tính dài hạn.
Nghị quyết của Quốc hội lần này đã tạo ra “đột phá” cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Kinh tế tư nhân hiện nay đang chiếm khoảng 55-58% GDP, do đó, khi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt này trong toàn quốc, kinh tế tư nhân sẽ phát triển, tạo đột phá cho tốc độ tăng trưởng GDP. Việc áp dụng ngay sau khi Quốc hội thông qua vào ngày mai, chúng ta sẽ thấy rất rõ những thay đổi của nền kinh tế trong nửa cuối năm nay. Tôi nghĩ rằng, mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay hoàn toàn khả thi.
Có thể nói rằng, trong thời gian ngắn mà cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đã đề cập hầu hết được các vấn đề nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW là nỗ lực cực kỳ lớn. Bởi cơ quan soạn thảo phải rà soát với các luật khác để đảm bảo khi áp dụng trong thực tế không bị vướng, phải có tính khả thi cao. Do đó, cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu rất kỹ và có sự phối hợp rất lớn giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra thì mới có thể có bản dự thảo chất lượng cao để trình Quốc hội.
Trong “bộ tứ chiến lược”, lần này là lần triển khai nghị quyết nhanh nhất. Bộ Tài chính soạn thảo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội rất nhanh, đúng theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”.