Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 16-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Các ý kiến nhận thấy, dự thảo nghị quyết đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66/NQ-TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Các cơ chế, chính sách đặc biệt sẽ tạo động lực mới để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt. Các ý kiến cho rằng, cần bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách theo dự thảo nghị quyết phù hợp với thực tế công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật…

Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là bước đi quan trọng, kịp thời thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng, đặc biệt là trong các văn kiện Đại hội XIII và gần đây là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. Dự thảo nghị quyết đã bổ sung trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thực hiện hiệu quả hoạt động của đại biểu, các hoạt động trong kỳ họp Quốc hội, thường xuyên tương tác với cử tri và kịp thời thông tin đến cử tri và nhân dân về hoạt động của đại biểu và Quốc hội tại kỳ họp”.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) bày tỏ tán thành với quy định này, nhất là trong bối cảnh, yêu cầu chuyển đổi số, tăng cường chuyển đổi phương thức hoạt động từ môi trường vật lý sang môi trường số. Tuy nhiên, trách nhiệm này mới chỉ gắn với đại biểu Quốc hội là chưa đầy đủ.

Theo đại biểu, việc quy định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin chỉ đặt ra đối với đại biểu Quốc hội tại Nội quy kỳ họp Quốc hội chưa bao quát các cơ quan của Quốc hội, đây mới là những chủ thể phải tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hoạt động trong điều kiện thời gian diễn ra kỳ họp rất ngắn: ví dụ như các ủy ban của Quốc hội có thể họp trực tuyến; trực tuyến kết hợp họp tập trung trực tiếp; hoặc thực hiện biểu quyết, lấy ý kiến thành viên ủy ban qua app… Do đó, đại biểu đề nghị nên chuyển quy định này đặt tại điều khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và bao quát hơn...

P.V (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-tao-dot-pha-trong-xay-dung-va-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-88a6d3f/
Zalo