Thái Nguyên: Thêm sức mạnh cho thương hiệu 'Đệ nhất danh trà'
Phấn đấu đến năm 2030, diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng thêm so với hiện tại khoảng 2.300ha và tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè tăng thêm 11,2 nghìn tỷ đồng. Đây là mục tiêu lớn được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030 vừa được Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng ký ban hành. Nghị quyết ra đời giống như điểm tựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh mới để thương hiệu 'Đệ nhất danh trà' của Thái Nguyên tiếp tục vươn xa.
![Những đồi chè đẹp ở xã Hoàng Nông (Đại Từ).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_458_51472711/120ae632d77c3e22676d.jpg)
Những đồi chè đẹp ở xã Hoàng Nông (Đại Từ).
Thực tế cho thấy, chè đang là cây trồng chủ lực của Thái Nguyên. Những năm qua, cơ cấu giống chè của tỉnh có sự thay đổi mạnh; diện tích trồng chè cho năng suất, chất lượng cao ngày càng được mở rộng; quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm trà có nhiều tiến bộ, đạt chất lượng tốt.
Chính bởi vậy, Thái Nguyên đang đứng đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập từ cây chè. Đặc biệt, toàn tỉnh có 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế vốn có, việc phát triển ngành chè của tỉnh còn chưa tương xứng, cần phải có chiến lược phát triển bài bản hơn với quy mô, chất lượng và giá trị cao hơn. Nghị quyết số 11-NQ/TU đã cơ bản giải quyết được vấn đề này.
Mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2030, Thái Nguyên sẽ sở hữu khoảng 24.500ha chè với sản lượng búp tươi đạt trên 300 nghìn tấn, tổng giá trị sản phẩm đạt 25 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 70% diện tích chè được chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và được cấp mã số vùng trồng; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè bảo đảm quy định an toàn thực phẩm; 100% doanh nghiệp, HTX có vùng nguyên liệu chè ứng dụng công nghệ số; 100% sản phẩm trà và sản phẩm từ chè được giao dịch trên các nền tảng số; có ít nhất 250 sản phẩm trà được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao…
Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết chỉ ra rằng, trước tiên phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất chè theo hướng chuẩn GAP và hữu cơ. Tiếp tục trồng mới, thay thế diện tích chè năng suất thấp bằng các giống chè năng suất, chất lượng cao theo cơ cấu phải đạt từ 85% đến 90% tổng diện tích, đáp ứng yêu cầu chế biến sâu, đa dạng sản phẩm (kể cả thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm…). Tăng cường thu hút đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến, ưu tiên sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường với nhiều loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cao, đáp ứng thị trường cao cấp, khó tính.
![Thái Nguyên luôn quan tâm gìn giữ giá trị văn hóa trà.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_458_51472711/fc8b04b335fddca385ec.jpg)
Thái Nguyên luôn quan tâm gìn giữ giá trị văn hóa trà.
Tập trung phát triển thương hiệu trà Thái Nguyên với mục tiêu phấn đấu sẽ được công nhận là thương hiệu sản phẩm quốc gia. Đặc biệt là quản lý và duy trì nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được bảo hộ tại Liên minh châu Âu. Tiếp tục mở rộng bảo hộ tại các quốc gia khác, nhất là thị trường lớn, uy tín để tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm trà Thái Nguyên.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức lễ hội trà, Festival trà... Chú trọng tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối, tiêu thụ; kết nối giữa người sản xuất trong tỉnh và các đối tác, khách hàng trong nước, quốc tế.
Cùng với đó, tập trung vào công tác bảo tồn, phát triển văn hóa trà gắn với khai thác dịch vụ, du lịch, lịch sử. Phát triển các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với vùng chè trọng điểm và đặc sản của Thái Nguyên. Nghiên cứu phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các vùng chè, trong đó có vùng chè nổi tiếng Tân Cương trên cơ sở đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”. Quy hoạch và xây dựng Bảo tàng trà, các không gian lễ hội, không gian thưởng trà, không gian thờ tự, tưởng nhớ, tri ân công lao các vị Tổ nghề chè, quần thể chè cổ thụ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trà Thái Nguyên.
Nghị quyết cũng yêu cầu phải vận hành hiệu quả các cơ chế, chính sách đã có và huy động tổng lực các nguồn kinh phí, hỗ trợ để thực hiện. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chính sách mới phù hợp nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, cũng tính đến nguồn lực quan trọng là thu hút đội ngũ chuyên gia tư vấn và nhân lực chất lượng cao để đáp ứng mục tiêu lớn mà Nghị quyết đề ra…