Huyện Đà Bắc phát huy hiệu quả tín dụng chính sách

Đà Bắc là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh, những năm qua việc triển khai hiệu quả tín dụng chính sách có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đà Bắc là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh, những năm qua việc triển khai hiệu quả tín dụng chính sách có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân xã Hiền Lương (Đà Bắc) đầu tư nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân xã Hiền Lương (Đà Bắc) đầu tư nuôi cá lồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau hơn 20 năm triển khai, vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã phủ khắp các xóm, xã trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc. Nguồn vốn này đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm và hạn chế "tín dụng đen” ở khu vực nông thôn. Không chỉ hỗ trợ người dân nâng cao đời sống vật chất, TDCS còn giúp thay đổi nhận thức, tư duy, cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh. Gia đình chị Phương Thị Thoa ở xóm Ké, xã Hiền Lương là một trong những hộ điển hình. Trước đây, chị Thoa đã thử sức với mô hình nuôi cá lồng, nhưng quy mô nhỏ và thu nhập bấp bênh, chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Cuối năm 2023, được tiếp cận nguồn vốn 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chị Thoa quyết định mở rộng quy mô, tăng từ 4 lồng lên 20 lồng và đầu tư thêm cá giống chất lượng cao. Đến nay, các lồng cá rô phi bắt đầu cho thu hoạch, mỗi lồng mang lại thu nhập khoảng 10 triệu đồng, giúp gia đình chị ổn định cuộc sống.

Hay như gia đình anh Lò Văn Tuất, xóm Khem, xã Đoàn Kết, từ 50 triệu đồng vốn vay của NHCSXH, anh Tuất đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi từ chăn nuôi trâu, bò sang nuôi lợn đen bản địa. Sau hơn 2 năm, hiệu quả kinh tế từ nuôi lợn bản địa cao hơn hẳn so với nuôi trâu, bò. Anh Tuất cho biết: "Mấy năm qua, nghề nuôi trâu, bò rất bấp bênh vì giá rẻ, chi phí chăn nuôi cao nên không có lãi. Được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn, gia đình tôi đã chuyển sang nuôi lợn bản địa. Đây là giống lợn có chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương”.

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đà Bắc, năm 2024, đơn vị đã truyền tải kịp thời nguồn vốn TDCS đến trên 2,9 nghìn lượt đối tượng thụ hưởng, doanh số cho vay đạt trên 181 tỷ đồng, mức cho vay bình quân 61 triệu đồng/hộ. Từ đầu năm 2025 đến nay, NHCSXH huyện Đà Bắc đã thực hiện giải ngân đối với 8 chương trình TDCS, doanh số cho vay gần 18 tỷ đồng/276 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó tập trung vào các chương trình cho vay như: Hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó giúp 44 lao động trên địa bàn huyện được giải quyết việc làm; 5 trường hợp vay vốn đi xuất khẩu lao động; 78 công trình nước sạch và công trình vệ sinh quy mô hộ gia đình được xây dựng.

Đồng chí Nguyễn Bình Nam, Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc cho biết: Là huyện còn nhiều khó khăn nên nhu cầu được vay vốn ưu đãi của người dân trên địa bàn còn rất cao. Trong năm 2025, đơn vị tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với những địa bàn xã còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới cao. Đồng thời thực hiện rà soát, nâng mức đầu tư cho vay đối với những hộ có phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả; chú trọng đầu tư vốn đối với các đối tượng chính sách chưa được tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời nắm bắt.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/198492/huyen-da-bac-phat-huy-hieu-qua-tin-dung-chinh-sach.htm
Zalo