Thái Nguyên: Số ca mắc sởi tăng nhẹ
Những ngày trong và sau Tết, số ca mắc sởi tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cao. Tại Thái Nguyên, trong tháng 1 và 3 ngày đầu tháng 2-2025 đã ghi nhận 6 ca mắc, tăng nhẹ so với cùng kỳ, bằng 54% so với cả năm 2024 (10 ngày gần đây không ghi nhận ca mắc mới). Các ca này đều đã được cách ly, điều trị và hiện sức khỏe ổn định.
![Những năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng sởi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt từ 95-96%.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_458_51475257/2bad9854aa1a43441a0b.jpg)
Những năm gần đây, tỷ lệ tiêm phòng sởi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt từ 95-96%.
Kết quả theo dõi của cơ quan chức năng cho thấy bệnh sởi thường có chu kỳ 4-5 năm lại bùng lên một đợt. Trước đó, trên địa bàn tỉnh, bệnh sởi có sự gia tăng nhiều vào mùa Đông - Xuân 2014-2015, 2019-2020. Rất có thể mùa Đông - Xuân năm nay sẽ lặp lại chu kỳ đó.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Những năm qua, Thái Nguyên triển khai rất tốt việc tiêm vắc-xin phòng sởi, với tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 95-96%. Tuy nhiên, do một số tỉnh, thành phố đang có sự gia tăng mạnh về số ca mắc sởi nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan rộng hơn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới.
Để chủ động phòng tránh, ngành Y tế đã triển khai từ sớm công tác tuyên truyền về dịch bệnh này cùng với các bệnh truyền nhiễm khác trong mùa Đông - Xuân 2024-2025; tăng cường công tác giám sát các trường hợp nghi mắc sởi/rubella; tuyên truyền để người dân tiêm bổ sung vắc-xin sởi, vắc-xin sởi/rubella theo khuyến cáo; chủ động đáp ứng tình hình khi có dịch bệnh xảy ra…
Bên cạnh đó, mỗi người cần nâng cao hiểu biết về bệnh sởi. Khi thấy có các biểu hiện sốt, phát ban, mắt đỏ, có thể kèm sổ mũi, ho, đôi khi đau bụng, cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị, phòng chống lây lan trong cộng đồng.