'Tết Việt-Tết Phố 2025': Phục dựng nghi lễ cửa đình, dựng cây nêu

Ngoài các nghi thức quan trọng như lễ cáo yết Thành hoàng, cúng tổ nghề, dựng cây nêu, các nghệ nhân sẽ trình diễn thư pháp và biểu diễn các tiết mục âm nhạc dân gian.

Đoàn rước dâng lễ cửa đình từ Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây đi qua một số tuyến phố và dâng lễ tại đình Kim Ngân năm 2023. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đoàn rước dâng lễ cửa đình từ Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây đi qua một số tuyến phố và dâng lễ tại đình Kim Ngân năm 2023. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hòa chung không khí đón chào Xuân mới, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức chương trình văn hóa với chủ đề “Tết Việt-Tết Phố 2025” nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo, kết nối cộng đồng và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Chương trình khai mạc diễn ra vào sáng ngày 19/1/2025 (tức 20 tháng Chạp) tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, Hà Nội với điểm nhấn là lễ rước dâng lễ cửa đình, dựng cây nêu. Đoàn dâng lễ sẽ diễu hành qua các con phố cổ của Hà Nội trong trang phục áo dài truyền thống, mang theo những lễ vật Tết đặc trưng như mứt, trà sen, bánh chưng, bánh cốm và hoa đào.

Đoàn lễ sẽ bắt đầu từ 7h30 sáng tại số 50 phố Đào Duy Từ, đi qua các phố Chợ Gạo, Trần Nhật Duật, Ô Quan Chưởng, Đào Duy Từ, Hàng Buồm, đền Bạch Mã, Hàng Ngang, Hàng Đào, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… cuối cùng dừng lại tại đình Kim Ngân.

Đây là một trong những điểm nhấn của chương trình nhằm tái hiện không khí Tết cổ truyền và gắn kết cộng đồng. Sau các nghi thức quan trọng như lễ cáo yết Thành hoàng, cúng tổ nghề, dựng cây nêu tại đình, các nghệ nhân sẽ trình diễn thư pháp và biểu diễn các tiết mục âm nhạc dân gian, đưa người tham gia trở về với không gian Tết truyền thống.

 Lễ dựng nêu tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Lễ dựng nêu tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Góp phần làm cho chương trình "Tết Việt-Tết Phố 2025" thêm phong phú, đa dạng là các triển lãm, trưng bày và sự kiện đặc sắc, trong đó có triển lãm nghệ thuật “Sắc Xuân Ất Tỵ 2025” và bộ sưu tập con giáp diễn ra từ ngày 10/1 đến 16/2 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (2 Lê Thái Tổ).

Không gian bích họa Phùng Hưng từ ngày 14/1 đến 28/1 sẽ là nơi giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh dân gian, và các dòng sản phẩm truyền thống khác. Các nghệ nhân sẽ tham gia trưng bày và giao lưu, chia sẻ với công chúng về nghề thủ công truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, không gian đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ được trang trí và sắp đặt thành không gian Tết cổ truyền, giúp du khách có thể trải nghiệm không khí Tết Hà Nội xưa. Bên cạnh đó, những triển lãm hội họa, thư pháp Việt, tranh lụa, sơn mài… sẽ giúp các nghệ sỹ và người dân có cơ hội giao lưu, tìm hiểu và yêu mến văn hóa truyền thống.

Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong dịp Tết Ất Tỵ là các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống được tổ chức tại nhiều địa điểm trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Tối 28/1/2025, chương trình ca nhạc đêm Giao thừa chào Xuân mới Ất Tỵ sẽ được tổ chức tại không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Từ ngày 30/1 đến 2/2/2025, các nghệ sỹ của Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thống Thăng Long sẽ biểu diễn các chương trình âm nhạc truyền thống tại các địa điểm như đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, đưa không khí âm nhạc Tết cổ truyền đến gần hơn với cộng đồng.

Chương trình “Tết Việt-Tết Phố 2025” là cơ hội tuyệt vời để người dân Hà Nội, du khách và kiều bào cùng hòa mình vào không khí Tết cổ truyền đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Những hoạt động đặc sắc và ý nghĩa này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng một không gian Tết đậm đà hương vị quê hương./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tet-viet-tet-pho-2025-phuc-dung-nghi-le-cua-dinh-dung-cay-neu-post1007535.vnp
Zalo