Tên xã sau sáp nhập: Giữ gìn cốt cách, khơi dậy khát vọng phát triển
Những ngày qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, trong đó có nội dung đặt tên mới đang được triển khai khẩn trương, nghiêm túc. Đáng chú ý, phần lớn các phương án đặt tên sau sắp xếp đều nhận được sự đồng thuận rất cao từ người dân, bởi đã thể hiện được chiều sâu văn hóa, bản sắc lịch sử cũng như khát vọng phát triển của địa phương.
Tên xã không dừng ở tên gọi hành chính

Nét đẹp từ "một góc" làng quê Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Mai
Tên gọi của một xã, phường sau sắp xếp không đơn thuần là ký hiệu hành chính. Đó là biểu tượng văn hóa, lịch sử, là tinh thần cộng đồng, ký ức và niềm tự hào của bao thế hệ người dân địa phương. Vì vậy, việc lựa chọn tên mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều yếu tố: Địa lý, lịch sử, văn hóa và tính biểu trưng. Mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, nhưng các địa phương ở Hà Nội đều đã nhanh chóng chọn được những tên xã mới hay và mang nhiều ý nghĩa, hợp lòng dân.
Tại huyện Phúc Thọ, ba xã mới dự kiến mang tên, là: Phúc Thọ, Phúc Lộc và Hát Môn. Những tên gọi này không chỉ thân thuộc mà còn mang ý nghĩa sâu sắc. “Phúc Thọ” - tên gọi đã gắn bó hơn 200 năm với vùng đất này. “Phúc Lộc” - gợi nhớ tên gọi cổ xưa của huyện, hàm chứa khát vọng về một cuộc sống đủ đầy, hưng thịnh. Còn “Hát Môn” là địa danh thiêng liêng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, gợi nhắc truyền thống bất khuất của dân tộc.
Tại huyện Sóc Sơn, dự kiến thành lập 5 xã mới, với các tên gọi: Sóc Sơn, Nội Bài, Kim Anh, Đa Phúc, Trung Giã. Các tên được chọn hội tụ được cả 4 yếu tố: Địa lý, lịch sử, văn hóa và biểu trưng vùng đất, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong đó, địa danh “Nội Bài” từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt Nam và nước ngoài, vì đây là Sân bay quốc tế quan trọng nhất miền Bắc. Hay như với tên gọi Đa Phúc, không chỉ là một tên cổ, mà còn mang hàm ý mong muốn cho vùng đất này sẽ có nhiều điều tốt lành, nhiều phúc khí, mang lại ấm no, hạnh phúc và bình an cho người dân nơi đây.
Còn ở huyện Thanh Trì, dự kiến thành lập 5 đơn vị hành chính cơ sở, gồm: Thanh Trì, Tân Triều, Đại Thanh, Ngọc Hồi, Nam Phù. Trong đó, với tên gọi tiêu biểu như Tân Triều - nơi có làng cổ Triều Khúc với bề dày văn hóa từ thời nhà Đinh, đình Triều Khúc và nổi tiếng với điệu múa bồng được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc)công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Đây là minh chứng rõ nét cho việc lựa chọn tên gọi phải gắn với giá trị truyền thống và tiềm năng phát triển hiện tại.
Huyện Đông Anh cũng thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, khi lựa chọn các tên gọi: Đông Anh, Thư Lâm, Phúc Thịnh, Thiên Lộc và Vĩnh Thanh, thể hiện rõ yếu tố kế thừa văn hóa, lịch sử và định hướng phát triển bền vững. Rõ ràng, những tên xã không đơn thuần chỉ là một tên gọi với ý nghĩa hành chính, mà nó còn là hồn cốt văn hóa, lịch sử, truyền thống được lưu truyền qua các giai đoạn lịch sử, là cốt lõi để các địa phương kế tục, phát triển trong tương lai.
Lắng nghe dân để kịp thời thay đổi

Tên gọi của một xã không đơn thuần là ký hiệu hành chính, mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử, ký ức và niềm tự hào của người dân. Trong ảnh: Đền Sái, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Mai
Đến nay, các địa phương ở Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc lấy ý kiến của người dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó có việc đặt tên cho các xã mới với tỷ lệ đồng thuận cao.
Bà Nguyễn Thị Hình ở tổ dân phố Phú Nhi 2 (phường Phú Thịnh), thị xã Sơn Tây nói: "Tôi rất hài lòng với việc đặt tên của các đơn vị hành chính mới của các xã, là: Sơn Tây, Tùng Thiện và Đoài Phương. Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cơ sở Sơn Tây đúng với ý nghĩa lưu giữ dấu ấn văn hóa, lịch sử của vùng đất cổ với danh xưng 556 năm, khơi dậy niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, lịch sử của vùng đất xứ Đoài xưa".
Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của huyện đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao: 99,54% số cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý với phương án sắp xếp; riêng về tên gọi, tỷ lệ đồng thuận là 98,89%. Một số xã như Hát Môn, Phúc Hòa, Trạch Mỹ Lộc, Long Thượng đạt 100% đồng thuận. Bí thư Chi bộ thôn Bảo Lộc 1, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ Đoàn Văn Lưu thông tin, qua nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả...
Tại huyện Thanh Trì, 100% hộ dân được lấy ý kiến, với hơn 92% đồng thuận với cả phương án sắp xếp và tên gọi mới. Kết quả này phản ánh sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân vào sự đổi mới tích cực.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cần điều chỉnh theo nguyện vọng của nhân dân. Như tại huyện Đan Phượng, ban đầu dự kiến đặt tên một xã mới là “Thọ Lão", nhưng sau khi tiếp thu ý kiến người dân, tên gọi này đã được thay bằng Liên Minh, mang ý nghĩa đoàn kết, hiện đại, hội nhập. Việc lắng nghe dân, điều chỉnh kịp thời không chỉ thể hiện sự cầu thị của chính quyền, mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Thông tin đến phóng viên Báo Hànnôịmới sáng 24-4, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bùi Thị Hương cho biết, qua lấy ý kiến, người dân đã đồng thuận rất cao với tên gọi Liên Minh. Đây là kết quả từ việc lắng nghe người dân, tổ chức lấy ý kiến minh bạch, rộng rãi.
Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến, các địa phương tiếp tục tổ chức kỳ họp HĐND để thông qua nghị quyết, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là bài toán về tổ chức bộ máy, mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Những cái tên mới, nếu được lựa chọn đúng đắn sẽ trở thành biểu tượng, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển, giữ gìn cốt cách quê hương trong thời kỳ mới.