Bảo tồn Di tích Bến Vàm Lũng - điểm cuối đường Hồ Chí Minh trên biển

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tối 24/4, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển tại di tích Bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặt biệt đường Hồ Chí Minh trên biển đối với Bến Vàm Lũng.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặt biệt đường Hồ Chí Minh trên biển đối với Bến Vàm Lũng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đã ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân nơi Bến Vàm Lũng năm xưa. Theo đó, sau Đồng khởi năm 1960, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam, nhu cầu chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, trong khi các tuyến vận tải trên bộ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sỹ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam.

Từ chủ trương đó, Trung ương Cục chỉ thị các tỉnh miền Nam tổ chức thuyền vượt biển ra Bắc để báo cáo tình hình và nhận vũ khí về phục vụ kháng chiến. Ở Cà Mau, đồng chí Bông Văn Dĩa nhận nhiệm vụ ra miền Bắc bằng đường biển, vừa khảo sát tuyến đường vận chuyển, vừa thăm dò và báo cáo với Trung ương. Sau khi kiểm tra thăm dò địa hình đã xác định Bến Vàm Lũng là nơi tiếp nhận vũ khí thuận lợi nhất.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 962 và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Bến Vàm Lũng.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 962 và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Bến Vàm Lũng.

Chuyến tàu đầu tiên của “đoàn tàu không số” mang phiên hiệu “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) mở đường vào Nam vào ngày 11/10/1962. Đến ngày 16/10/1962, tàu Phương Đông 1 do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã cập bến Vàm Lũng an toàn.

Tiếp theo đó, những con tàu: Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4… vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Riêng tại Bến Vàm Lũng đã tiếp đón 68 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược.

Bến Vàm Lũng gắn liền với tên tuổi của Ðoàn 962 có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào - ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị lực lượng vũ trang của ta phục vụ chiến đấu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân thông tin, Bến Vàm Lũng, thuộc đường Hồ Chí Minh trên biển là di tích đầu tiên của tỉnh Cà Mau được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. “Vinh dự này trước hết thuộc về cán bộ, chiến sỹ của đoàn tàu không số, của đường Hồ Chí Minh trên biển. Đảng bộ và nhân dân Cà Mau xin mãi mãi tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, đồng bào, đồng chí đã tham gia mở đường, lập bến, hoạt động tại Bến Vàm Lũng và đường Hồ Chí Minh trên biển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định.

Di tích Bến Vàm Lũng gắn với tuyến đường Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là biểu tượng vinh quang, tự hào của cả dân tộc.

Di tích Bến Vàm Lũng gắn với tuyến đường Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là biểu tượng vinh quang, tự hào của cả dân tộc.

Để tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đề nghị, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị di tích; đề xuất điều chỉnh bổ sung quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh các hạng mục còn lại.

Tại buổi lễ, Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 962 khẳng định, thắng lợi của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước mà còn là con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây còn là biểu trưng của tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ để thực hiện mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để ghi nhớ, vinh danh những chiến công vang dội, bất tử của “đoàn tàu không số”, những hy sinh cao cả của các chiến sỹ anh hùng, của nhân dân, Đảng và Nhà nước đã xây dựng Khu di tích Bến Vàm Lũng với các hạng mục: Tượng đường Hồ Chí Minh trên biển, nhà trưng bày tư liệu truyền thống và một số công trình có liên quan.

Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển, gồm các bến chính: Bến K15 - thành phố Hải Phòng, Bến Vũng Rô - tỉnh Phú Yên, Bến Lộc An - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Vàm Lũng - tỉnh Cà Mau.

Các đại biểu thực hiện nghi thức thả thuyền hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ nơi cửa biển Vàm Lũng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức thả thuyền hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ nơi cửa biển Vàm Lũng.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau Lê Minh Sơn cho biết, bên cạnh công tác trùng tu, tôn tạo, đơn vị còn quan tâm đến các hoạt động phát huy giá trị di tích trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Do đó, bên cạnh công tác chỉnh lý việc trưng bày tại di tích, đơn vị đã xây dựng phim thuyết minh về giá trị, ý nghĩa lịch sử của di tích; đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - chi nhánh Cà Mau thực hiện số hóa không gian trưng bày di tích, giúp du khách có thể tham quan di tích dù không đi đến tận nơi...

Huỳnh Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/bao-ton-di-tich-ben-vam-lung-diem-cuoi-duong-ho-chi-minh-tren-bien-20250424212822303.htm
Zalo