Tên Người là cả một niềm thơ
Lâu nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài lớn, cảm hứng lớn cho nhiều nhà thơ viết về Người. Số lượng nhà thơ lấy hình tượng Bác làm trung tâm qua các tác phẩm của mình, có thể lên đến hàng trăm. Số lượng bài thơ ca ngợi công đức của Bác, có thể lên đến con số hàng nghìn. Đó là điều hiếm hoi, cho thấy hơn ai hết, Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại, người Cha già của dân tộc Việt Nam luôn có sức hấp dẫn lớn với các nhà thơ nói riêng và thi ca nói chung.

Tập thơ “Người đi tìm hình của nước” - tuyển tập những bài thơ hay về Bác Hồ.
Lý giải về điều này, trong “Sáng tháng Năm” và trong “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Hồ Chí Minh/ Người ở khắp nơi nơi.../ Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”, “Vì sao? Trái đất nặng ân tình/ Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh/ Như một niềm tin, như dũng khí/ Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh”; trong “Quê hương Việt Bắc”, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Nơi đây sống một người tóc bạc/ Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi người là Bác/ Cả đời Người là của nước non”; trong “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Ở giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào/ Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc/ Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác/ Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu”... Trong đó có những câu thơ đáng nhớ, gây ấn tượng mạnh: “Hồ Chí Minh/ Người ở khắp nơi nơi”, “Người không con mà có triệu con”, “Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc”...
Những tác phẩm trên ra đời ở Việt Bắc, được viết trong những năm 50 của thế kỷ trước, vẫn còn sức sống đến hôm nay, và một trong số ấy phải kể đến “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ. Bằng việc khai thác triệt để một đêm không ngủ của Bác vì lo cho dân, cho quân trong kháng chiến chống Pháp, Minh Huệ đã có một tứ thơ để đời: “Đêm nay Bác ngồi đó/ Đêm nay Bác không ngủ/ Vì một lẽ thường tình/ Bác là Hồ Chí Minh”.
Trong số những nhà thơ viết nhiều về Bác, đầu tiên phải kể đến Tố Hữu - ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng - nhà thơ lớn của dân tộc. Đề tài này trở đi trở lại với ông qua nhiều thi phẩm nổi tiếng: “Hồ Chí Minh”, “Sáng tháng Năm”, “Ta đi tới”, “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, “Cánh chim không mỏi”, “Bác ơi”, “Theo chân Bác”... Ông luôn dành tâm sức cho mảng đề tài này với sự chân thành, với cảm xúc dào dạt và một niềm tin tuyệt đối. Riêng tình thương lớn lao của Bác, cũng đã đủ cho ông viết ra những vần thơ mang ý nghĩa bao quát, ôm trùm qua “Bác ơi”: “Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi/ Năm canh bớt nặng nỗi thương đời/ Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Sau Tố Hữu, phải kể đến Hải Như - người có đến hơn 40 bài thơ viết về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn coi những sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh như là một phần sự nghiệp thơ của mình. “Chúng con canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi”, “Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra”, “Bài thơ viết ở làng Sen”... được coi là những sáng tác thành công của ông. Với lòng thành kính cao độ, Hải Như đã viết những câu thơ dâng Người khi Người đã đi vào cõi vĩnh hằng và trở thành bất tử trong “Chúng con canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi”: “Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa/ Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu/ Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu/ Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ”. Vẫn mạch nguồn cảm xúc ấy, Thu Bồn có “Gửi lòng con đến cùng cha”, trong đó có những câu thơ đáng nhớ: “Có Người thợ dựng Thành đồng/ Đã yên nghỉ tận sông Hồng, mẹ ơi!/ Con đi dưới một vòm trời/ Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin”. Còn Viễn Phương có “Viếng lăng Bác”, sau này được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc “Vào lăng viếng Bác”, trong đó có đoạn: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ/ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” và “Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim”.
Trong rất nhiều bài thơ viết về Bác của bạn bè năm châu, “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ” của Felix Pita Rodriguez (Cuba) là bài thơ độc đáo vì ý tưởng và cũng vì tác giả lý giải số phận Bác Hồ gắn bó với số phận dân tộc mình, số phận nhân dân mình đến mức máu thịt, thông qua một cách nói đầy ấn tượng: "Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/ Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp/ Bởi vì Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ/ Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước...".
Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm lòng cao cả, bao dung của Người còn truyền cảm hứng cho những sáng tác mới của những nhà thơ cho đến tận hôm nay. Những năm từ 2021 đến 2024, nhà thơ Hữu Thỉnh có trường ca “Trăng Tân Trào”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung có “Học Bác mỗi ngày một việc tốt”, “Lời Bác thắp sáng quê hương”. Trong đó, “Trăng Tân Trào” là thiên hùng ca trữ tình về mối quan hệ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng bào.