Ra mắt sách song ngữ 'Bác Hồ ở Thái Lan' nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuốn sách 'Bác Hồ ở Thái Lan' là một công trình sưu tầm, biên soạn công phu, tập hợp những tư liệu lịch sử quý báu, những câu chuyện chân thực và cảm động về quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Vương quốc Thái Lan trong những năm 1928-1929.
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sáng 18/5, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon Thani (Thái Lan), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen Thái Lan đã long trọng tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Thái mang tên “Bác Hồ ở Thái Lan”.

Ảnh bìa cuốn sách. Ảnh: NXBGDVN
“Bác Hồ ở Thái Lan” - minh chứng sống động cho tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan
Đây là sự kiện văn hóa đối ngoại có ý nghĩa sâu sắc, góp phần tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, đồng thời củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng – thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, cuốn sách “Bác Hồ ở Thái Lan” là một công trình sưu tầm, biên soạn công phu, tập hợp những tư liệu lịch sử quý báu, những câu chuyện chân thực và cảm động về quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Vương quốc Thái Lan trong những năm 1928-1929.
Dù thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở lại Thái Lan chỉ hơn một năm, nhưng đây là một chặng đường mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Bác.
Với bí danh Thầu Chín, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến đất Xiêm (nay là Thái Lan) vào tháng 7/1928 và nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống của bà con Việt kiều. Người đã trực tiếp gây dựng và củng cố cơ sở cách mạng, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam.
Từ những ngôi làng nhỏ bé của người Việt tại các tỉnh Udon Thani, Sakon Nakhon, Nakhon Phanom, Phichit, hình ảnh Ông Chín (Thầu Chín) đã trở nên gần gũi, thân thương với bà con. Người đã khơi dậy và hun đúc tinh thần yêu nước, ý thức đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Việt xa xứ, đặt nền móng vững chắc cho phong trào yêu nước của kiều bào ta trên đất Thái.
Dù hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, luôn bị theo dõi, truy lùng gắt gao, nhưng nhờ sự yêu mến, đùm bọc, chở che của đồng bào Việt kiều và nhân dân Thái Lan, Bác Hồ vẫn được an toàn để tiếp tục sự nghiệp cách mạng cao cả.
Cuốn sách “Bác Hồ ở Thái Lan” đã ghi lại những câu chuyện về sự giản dị, gần gũi, lòng yêu thương bao la và trí tuệ uyên bác của Người trong thời gian này đã khắc sâu vào tâm trí của bao thế hệ người Việt tại Thái Lan, trở thành những ký ức thiêng liêng, những bài học quý giá được tái hiện một cách sống động và chân thực trong cuốn sách.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, cuốn sách song ngữ “Bác Hồ ở Thái Lan” sẽ góp phần quan trọng vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các thế hệ người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan, giúp các em hiểu rõ hơn về cội nguồn, về truyền thống yêu nước của dân tộc và noi theo tấm gương sáng ngời của Bác.
Cuốn sách song ngữ “Bác Hồ ở Thái Lan” cũng là một minh chứng sống động cho tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan. Chính trong những năm tháng hoạt động tại Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc đã gieo những hạt giống thiện cảm, vun đắp cho sự hiểu biết và gần gũi giữa hai dân tộc.
Cuốn sách cũng góp phần khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những sứ giả văn hóa, những nhịp cầu nối liền tình hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Vương quốc Thái Lan.

Cuốn sách song ngữ Việt – Thái “Bác Hồ ở Thái Lan” còn là một minh chứng sống động cho tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan. Ảnh: NXBGDVN