Tây Hồ tổng kết công tác quản lý và phát huy giá trị di tích
Ngày 21/11, quận Tây Hồ đã tổ chức kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2024); tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quận Tây Hồ năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Quận ủy, HĐND - UBND quận quan tâm, đã đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa. Việc trông coi, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích cũng được các địa phương tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả.
Đến nay, về cơ bản, các di tích xuống cấp đều được tu bổ, tôn tạo. Trong quá trình triển khai, các dự án đều được Nhân dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.
“Kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2024, khẳng định và tôn vinh giá trị các di sản văn hóa trên mảnh đất cội nguồn giàu truyền thống cách mạng. Đây cũng là một hoạt động ý nghĩa để tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa với cộng đồng, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương chia sẻ.
Để tiếp tục phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục có những biện pháp sáng tạo thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước nhằm phát huy có hiệu quả nguồn di sản hiện có nhưng vẫn bảo tồn được sự uy nghiêm, cổ kính, khang trang; tăng cường kiểm tra, rà soát nắm bắt tình hình thực tế tại các di tích, không để xảy ra vi phạm trong khu vực bảo vệ di tích, tránh gây ấn tượng xấu đối với khách tham quan trên địa bàn.
Đồng thời, có biện pháp để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống của ông cha, trân trọng và phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Huy động các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân tích cực chủ động tham gia và phát huy vai trò “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch” gắn với việc phát triển hình ảnh du lịch “xanh” vừa văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
“Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, việc quận Tây Hồ thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận, sẽ góp phần định vị, đánh dấu thương hiệu du lịch Tây Hồ trên bản đồ du lịch thành phố Hà Nội” – Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh.
Theo thống kê, hiện nay trên đại bàn quận Tây Hồ hiện có 71 di tích gồm 18 chùa, 20 đình, 33 đền, miếu, am… Trong đó, 42 di tích đã được xếp hạng (24 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 18 di tích xếp hạng cấp Thành phố), còn lại 29 di tích chưa được xếp hạng. Cùng với hệ thống di sản giá trị nằm xung quanh Hồ Tây, từ năm 2023 đến nay, quận Tây Hồ đã có 3 di sản được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đó là: Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ, Nghề làm xôi ở phường Phú Thượng, Nghề ướp trà sen ở Quảng An. Dự kiến đầu năm 2025 sẽ tiếp tục được ghi danh nghề trồng đào phường Nhật Tân và lễ hội truyền thống Đình Nhật Tân vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.