Báo Nhà báo & Công luận tổ chức 'Về nguồn và Trao thẻ hội viên' tại Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Hướng đến các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), ngày 21/11 Chi bộ và Chi hội Báo Nhà báo và Công luận phối hợp tổ chức Chương trình 'Về nguồn và Trao thẻ hội viên' cho các phóng viên, biên tập viên tại Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Lê Trần Nguyên Huy - Bí thư Chi bộ, Q. Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận cho biết, tổ chức sự kiện “về nguồn” tại Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chi bộ, chi hội Báo Nhà báo và Công luận mong muốn các phóng viên, biên tập viên người lao động của Báo có dịp được trải nghiệm thực tế, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ôn lại truyền thống, giáo dục lý tưởng, đạo đức, văn hóa người làm báo, đặc biệt là hướng đến 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

 Đồng chí Lê Trần Nguyên Huy - Bí thư Chi bộ, Q. Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận phát biểu tại chương trình.

Đồng chí Lê Trần Nguyên Huy - Bí thư Chi bộ, Q. Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận phát biểu tại chương trình.

“Tại nơi đây, trong buổi Lễ Khánh thành và bàn giao Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào tháng 8/2024, Báo Nhà báo & Công luận đã trồng 1 cây vú sữa, đến nay lá đã lên xanh rất đẹp, như các đồng chí đã nhìn thấy ngay cổng vào và Báo cũng đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho các học sinh trên địa bàn vào dịp này… Và bởi thế, đến với ngôi trường này, đối với Báo ta, đúng nghĩa là đang trở 'về nguồn'", đồng chí Lê Trần Nguyên Huy chia sẻ.

Tại buổi lễ, đồng chí Lê Trần Nguyên Huy - Chủ tịch Công đoàn cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Bí thư Chi bộ, Q. Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận và đồng chí Trần Lan Anh - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận đã trao thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cho các phóng viên, biên tập viên của Báo.

 Ban biên tập Báo Nhà báo & Công luận trao thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cho các phóng viên, biên tập viên

Ban biên tập Báo Nhà báo & Công luận trao thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cho các phóng viên, biên tập viên

Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận đã được nghe TS. Nguyễn Thu Hiền - cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu về Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - “địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam. Sau 75 năm, ngôi trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng giờ đây đã sở hữu một quần thể đa dạng và sinh động, tái hiện không gian báo chí kháng chiến và tinh thần làm báo hào hùng của các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Bên Hồ Núi Cốc, soi bóng xuống vùng đất lịch sử Tân Thái, một quần thể di tích được thiết kế và thi công phỏng dựng trên cơ sở những ghi chép và tư liệu để lại về một giảng đường tre nứa trên đồi và ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, như hai bảo tàng thu nhỏ, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực thực hiện hai trưng bày “Báo chí chiến khu Việt Bắc 1946-1954” và “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - 1949”.

 Quang cảnh buổi lễ.

Quang cảnh buổi lễ.

Nổi bật không kém là “quảng trường mini” rộng 200m2, với bức phù điêu cao gần 3m rộng gần 8m với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường do họa sĩ Ngô Xuân Khôi phác thảo và nhà điêu khắc Phạm Sinh trực tiếp cùng các học trò của mình dựng nên - một điểm nhấn ấn tượng tạo cảm xúc khó phai cho những người tới tham quan.

Về với Di tích, những người làm báo Báo Nhà báo & Công luận được hiểu hơn về Chiến khu Việt Bắc - nơi một thế hệ làm báo đã cống hiến hết mình cho công cuộc kháng chiến kiến quốc, vượt mọi khó khăn, thách thức để trở thành một trong những cánh quân chủ lực, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc và trang sử vàng của báo chí cách mạng nước ta giai đoạn 1946 đến 1954. Những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946 - 1954 cũng tái hiện và khẳng định những thành quả to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong các cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại và hành trình kiến thiết đất nước.

 Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận đã được nghe TS. Nguyễn Thu Hiền - cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu về Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận đã được nghe TS. Nguyễn Thu Hiền - cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu về Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Thông qua hoạt động "về nguồn", BBT Báo Nhà báo & Công luận mong muốn các cán bộ, phóng viên của Báo Nhà báo & Công luận tiếp tục nỗ lực trau dồi kiến thức, chuyên môn để trở thành những cây bút tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ khi Người đã hai lần gửi thư động viên tinh thần, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo chí cách mạng cho các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây Người căn dặn: "Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!"

Một số hình ảnh tại chương trình:

 Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận bên bức phù điêu

Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận bên bức phù điêu

 Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận chụp ảnh lưu niệm.

Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận chụp ảnh lưu niệm.

Hòa Giang - Sơn Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-nha-bao-cong-luan-to-chuc-ve-nguon-va-trao-the-hoi-vien-tai-di-tich-lich-su-quoc-gia-truong-day-lam-bao-huynh-thuc-khang-post322270.html
Zalo