Ngôi điện trong Tử Cấm thành Huế còn lại nền móng được đầu tư phục hồi

Điện Cần Chánh được đầu tư phục hồi sẽ góp phần quan trọng trong mục tiêu từng bước phục hồi và hoàn chỉnh diện mạo của Tử Cấm thành - Đại Nội Huế, một địa điểm di tích có ý nghĩa sâu rộng và quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích Cố đô Huế.

Ngày 21/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, theo kế hoạch, lễ động thổ công trình bảo tồn, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh - ngôi điện quan trọng trong Tử Cấm thành - Đại Nội Huế sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 sắp tới.

Điện Cần Chánh còn lại nền móng được đầu tư phục hồi.

Điện Cần Chánh còn lại nền móng được đầu tư phục hồi.

Điện Cần Chánh được xây dựng từ năm 1804, là một trong những công trình kiến trúc được xây dựng sớm nhất trong Hoàng thành Huế. Điện là nơi nhà vua triều Nguyễn thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triều Nguyễn.

Ngôi điện này đã bị phá hủy bởi chiến tranh từ năm 1947, chỉ còn lại nền móng.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu phục dựng ngôi điện quan trọng này đã diễn ra trong hàng chục năm qua.

Đến tháng 10/2021, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 2 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có tờ trình trình HĐND xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh.

Đại Nội Huế nhìn từ trên cao.

Đại Nội Huế nhìn từ trên cao.

Dự án gồm các hạng mục tu bổ, gia cường nền móng bó vỉa và bậc cấp theo nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ chân tảng đá Thanh; phục hồi nền lát gạch granito có hoa văn; bảo quản chống ẩm và chống mối nền.

Phục hồi toàn bộ hệ khung, hệ mái, hệ vách ván, liên ba, cửa; bảo quản chống ẩm và chống mối toàn bộ cấu kiện gỗ; phục hồi sơn son thếp vàng hệ khung gỗ. Phục hồi mái lợp ngói ống Hoàng lưu ly; phục hồi bờ nóc, bờ quyết, ô hộc, con giống khảm sành sứ; phục hồi các trang trí mái bằng pháp lam.

Bên cạnh đó là hạng mục hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống điện chiếu sáng nội thất, đèn lồng, đèn ngoại thất; lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy…

Nền móng điện Cần Chánh nhìn vào hướng điện Kiến Trung... ở phía Nam.

Nền móng điện Cần Chánh nhìn vào hướng điện Kiến Trung... ở phía Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 4 năm.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, những giá trị kiến trúc của điện Cần Chánh đã thể hiện được tài nghệ của các nghệ nhân và sự hiểu biết sâu sắc trong hoạt động xây dựng kiến trúc cung đình triều Nguyễn, thể hiện giá trị đặc sắc và tinh hoa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam thời bấy giờ.

Việc đầu tư tu bổ, phục hồi di tích điện Cần Chánh là vô cùng cần thiết để phục hồi di sản thế giới đã được UNESCO công nhận.

Điện Thái Hòa ở phía Bắc nhìn từ nền móng điện Cần Chánh.

Điện Thái Hòa ở phía Bắc nhìn từ nền móng điện Cần Chánh.

Đặc biệt, công trình di tích điện Cần Chánh sau khi phục hồi sẽ góp phần quan trọng trong mục tiêu từng bước phục hồi và hoàn chỉnh diện mạo của Tử Cấm thành - Đại Nội Huế, một địa điểm di tích có ý nghĩa sâu rộng và quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích Cố đô Huế nhằm xứng đáng là di sản văn hóa thế giới.

Tháng 8/2024, dự án bảo tồn, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 19 diễn ra vào tháng 9/2024, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII đã quyết nghị thống nhất phương án sử dụng nguồn vượt thu phí tham quan di tích và xổ số kiến thiết năm 2023 để thực hiện các dự án đầu tư công, trong đó dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh được bố trí 62,7 tỷ đồng từ nguồn vốn này.

Điện Thái Hòa vừa được trùng tu nhìn ra Ngọ Môn và Kỳ đài Huế ở phía Bắc.

Điện Thái Hòa vừa được trùng tu nhìn ra Ngọ Môn và Kỳ đài Huế ở phía Bắc.

Điện Cần Chánh là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành - Đại Nội Huế.

Theo Dư địa chí Thừa Thiên Huế, điện Cần Chánh đặt trên nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh, diện tích gần 1.000m2; chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn, hai bên đông tây có 4 hồi lang mỗi bên 5 gian nối qua điện Văn Minh, Võ Hiển và qua Tả Vu, Hữu Vu.

Toàn bộ khung gồm 80 cột bằng gỗ lim, phần lớn kết cấu gỗ như xuyên, trến, kèo, đòn tay, các liên ba... đều được chạm trổ tinh xảo, công phu.

Hình ảnh điện Thái Hòa vừa được trùng tu.

Hình ảnh điện Thái Hòa vừa được trùng tu.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 23/11 sắp tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu "Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" (Cửu đỉnh).

Đồng thời, tỉnh công bố hoàn thành dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa" và khai trương đưa điện Thái Hòa vào phục vụ tham quan sau gần 3 năm trùng tu.

Điện Thái Hòa đẹp lộng lẫy sau gần 3 năm trùng tu - sẽ được đưa vào phục vụ du khách tham quan từ ngày 23/11/2024.

Điện Thái Hòa đẹp lộng lẫy sau gần 3 năm trùng tu - sẽ được đưa vào phục vụ du khách tham quan từ ngày 23/11/2024.

Cũng trong ngày 23/11/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” (Cửu đỉnh).

Cũng trong ngày 23/11/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” (Cửu đỉnh).

Hình ảnh hoa mai và hoa sen trên Cửu đỉnh.

Hình ảnh hoa mai và hoa sen trên Cửu đỉnh.

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngoi-dien-trong-tu-cam-thanh-hue-con-lai-nen-mong-duoc-dau-tu-phuc-hoi-192241121181735023.htm
Zalo