Tây Hồ Tây đang khẳng định mình là một trung tâm kinh doanh mới của Hà Nội?
Khu vực Tây Hồ Tây có vị trí đắc địa, hạ tầng đồng bộ và giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của người thuê, mua bất động sản về sự thuận tiện và bền vững.
Quý III và quý IV thường là thời điểm các doanh nghiệp đã có chiến lược rõ ràng và kế hoạch mở rộng hoặc điều chỉnh mô hình hoạt động cho năm sau. Từ đó, các kế hoạch mở rộng không gian, chuyển địa điểm hoặc thành lập văn phòng mới cũng trở nên rõ ràng hơn.
Theo bà Trịnh Huỳnh Mai - Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại tại Savills Hà Nội, đánh giá khu vực Tây Hồ Tây sẽ là điểm sáng với nhiều lợi thế, tiện ích và dự án nổi bật. Thị trường văn phòng Hà Nội hiện ở trong trạng thái tương đối cân bằng giữa cung và cầu, nhưng vẫn ghi nhận sự biến động do nhu cầu liên tục tăng từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn lớn đang mở rộng hoạt động.
Tổng nguồn cung thị trường đến quý III năm 2024 đã vượt 2,1 triệu m² sàn. Trong đó, văn phòng hạng A và B chiếm tỷ trọng chủ yếu và đang là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển từ văn phòng hạng B sang hạng A, nhằm cải thiện môi trường làm việc, nâng cao hình ảnh thương hiệu và thu hút nhân tài. Khu vực Tây Hồ Tây, với vị trí chiến lược và hạ tầng phát triển mạnh mẽ, đang trở thành một điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp.
Từ sau năm 2027, nguồn cung thị trường văn phòng dự kiến sẽ tăng thêm 816.000 m², trong đó 29% đến từ khu đô thị mới Tây Hồ Tây. Tất cả các dự án phát triển tương lai tại khu vực này đều thuộc phân khúc hạng A.
Tây Hồ Tây đang ngày càng khẳng định mình là một trung tâm kinh doanh mới của Hà Nội nhờ vào vị trí đắc địa, hạ tầng đồng bộ và hệ thống tiện ích công cộng hiện đại. Đây là một khu vực được quy hoạch và đầu tư bài bản với các dự án lớn.
Với sự di dời của nhiều cơ quan hành chính nhà nước về khu vực Tây Hồ tây, nơi đây nhận được sự quan tâm đáng kể về phát triển hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, giúp liên kết nhanh chóng với các khu vực quan trọng khác trong Thành phố. Trong Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu trụ sở bộ ngành Trung ương, Tây Hồ Tây được bố trí khoảng 35 ha đất xây dựng trụ sở các cơ quan (12 cơ quan, 1 cơ quan dự trữ).
Đáng chú ý, trong tương lai, tuyến đường sắt đô thị chạy qua Tây Hồ Tây sẽ nâng cao khả năng kết nối của khu vực, giúp các doanh nghiệp dễ dàng di chuyển và thu hút nhân viên đến làm việc.
Tất cả những yếu tố này, từ cơ sở hạ tầng đến tiện ích và kết nối giao thông, khiến Tây Hồ Tây trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp lớn tìm kiếm không gian văn phòng chất lượng cao và thuận tiện.
Chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, lượng nguồn cung lớn từ khu vực Tây Hồ Tây có thể làm dấy lên lo ngại về tình trạng “cung vượt cầu”. Tuy nhiên, khu vực này có tiềm năng hấp thụ cao nhờ vào sự quan tâm mạnh mẽ từ các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và ngân hàng. Điển hình, các đơn vị như Samsung R&D, LG R&D và nhiều công ty quốc tế khác đã lựa chọn Tây Hồ Tây, góp phần củng cố sức hấp dẫn của thị trường văn phòng nơi đây.
Sở hữu cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện cùng các tiêu chuẩn văn phòng cao cấp, Tây Hồ Tây có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách thuê có yêu cầu cao về chất lượng không gian làm việc và sự thuận tiện.
Trong tương lai gần, Tây Hồ Tây có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm kinh doanh mới của Hà Nội. Khu vực này hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho các công ty muốn mở rộng hoạt động, nâng cao vị thế kinh doanh và tận dụng các cơ hội phát triển trong một môi trường hiện đại và chuyên nghiệp.
Nếu các dự án tại Tây Hồ Tây duy trì được tiêu chuẩn chất lượng cao và tiếp tục thu hút khách thuê hạng A, khu vực này có thể trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Điều này có khả năng thúc đẩy xu hướng di dời từ các khu vực trung tâm hiện tại như Hoàn Kiếm và Đống Đa, nhằm tìm kiếm không gian văn phòng chất lượng cao hơn. Sự chuyển dịch này không chỉ giảm bớt áp lực nguồn cung văn phòng tại các quận nội thành, mà còn góp phần hình thành một trung tâm kinh doanh mới, giúp phân bổ lại nguồn cung trên toàn thành phố một cách hợp lý hơn.
Ngược lại, nếu Tây Hồ Tây phát triển thiếu đồng bộ hoặc thiếu các chiến lược quảng bá hiệu quả, các chủ đầu tư giai đoạn đầu có thể phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá cả và chất lượng để thu hút khách thuê.