Tàu thăm dò Sao Kim thời Liên Xô rơi xuống Ấn Độ Dương sau 53 năm

Tàu thăm dò Kosmos 482 do Liên Xô phóng đầu năm 1972, trong chương trình khám phá Sao Kim, đã rơi xuống Ấn Độ Dương sáng ngày 10/5.

Ngày 10/5, Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết, tàu thăm dò Kosmos 482 thời Liên Xô cất cánh vào cuối tháng 3/1972 để khám phá hành tinh Sao Kim đã rơi xuống Ấn Độ Dương.

Kosmos 482 đã đi vào bầu khí quyển Trái đất lúc 6h24’, ngày 10/5, giờ UTC (13h24’ giờ Việt Nam) và rơi xuống đại dương phía Tây Jakarta, Indonesia. Không có báo cáo về thiệt hại hoặc mảnh vỡ thu hồi được.

Quá trình hạ cánh của Kosmos 482 được theo dõi bởi Hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm trong không gian gần Trái Đất.

 Địa điểm được cho là vị trí rơi của tàu đổ bộ Kosmos 482. Ảnh: Humanitycanwin1.

Địa điểm được cho là vị trí rơi của tàu đổ bộ Kosmos 482. Ảnh: Humanitycanwin1.

Kosmos 482 là một phần trong chương trình Venera- khám phá Sao Kim đầy tham vọng của Liên Xô, hoạt động từ năm 1961 đến năm 1983, trong đó đặt mục tiêu đưa nhiều tàu thăm dò tới Sao Kim.

Sứ mệnh Kosmos 482 là đưa tàu đổ bộ được trang bị các thiết bị khoa học, bao gồm máy quang phổ tia gamma, quang kế và cảm biến khí quyển để nghiên cứu bề mặt và khí quyển của Sao Kim- hành tinh thứ hai trong Hệ Mặt trời.

Đáng chú ý trong chương trình Venera của Liên Xô là vào năm 1970, Venera 7 đã trở thành tàu thăm dò đầu tiên truyền dữ liệu từ bề mặt của một hành tinh khác. Tiếp theo Venera 9 đã gửi những hình ảnh đầu tiên từ bề mặt Sao Kim vào năm 1975.

Trong khi Kosmos 482 đã đi chệch hướng ngay sau khi phóng.

 Một bản sao mô đun hạ cánh tàu thăm dò Venera 4 được trưng bày tại Bảo tàng Du hành vũ trụ ở Moscow, Nga/Cmdr_Hadfield.

Một bản sao mô đun hạ cánh tàu thăm dò Venera 4 được trưng bày tại Bảo tàng Du hành vũ trụ ở Moscow, Nga/Cmdr_Hadfield.

Một sự cố kỹ thuật ở tầng trên của tên lửa đẩy khiến tàu thăm dò, còn được gọi là Venera 4, không bao giờ rời khỏi quỹ đạo Trái Đất và vẫn ở trong quỹ đạo hình elip quanh Trái Đất trong hơn nửa thế kỷ trước khi hạ dần độ cao.

Tàu vũ trụ nặng gần 500 kg, có đường kính khoảng 1 m, đã được các cơ quan vũ trụ theo dõi chặt chẽ vì lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn khi tái nhập bầu khí quyển.

Các chuyên gia trước đó đã cảnh báo rằng, do mô đun đổ bộ của tàu thăm dò được chế tạo bằng lớp vỏ titan chắc chắn, thiết kế để chịu được điều kiện khắc nghiệt của Sao Kim, nên nó có thể tiếp cận bề mặt Trái Đất trong tình trạng nguyên vẹn.

Tuy nhiên, Roscosmos cho biết, Kosmos 482 đã tan rã.

 Các chuyên gia từng lo ngại mô đun đổ bộ Kosmos 482 có thể tiếp cận bề mặt Trái Đất trong tình trạng nguyên vẹn, tiềm ẩn nguy cơ. Ảnh: NashJagsNats22.

Các chuyên gia từng lo ngại mô đun đổ bộ Kosmos 482 có thể tiếp cận bề mặt Trái Đất trong tình trạng nguyên vẹn, tiềm ẩn nguy cơ. Ảnh: NashJagsNats22.

Theo Roscosmos, hàng ngàn tàu vũ trụ đã ngừng hoạt động vẫn còn trên quỹ đạo Trái đất. Chỉ tính riêng trong năm qua, đã có 1.981 vật thể vũ trụ có nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo xâm nhập bầu khí quyển.

Nga cho biết nước này có kế hoạch phóng một sứ mệnh mới, dài hạn tới Sao Kim, được gọi là Venera-D hoặc Venera 17, đánh dấu sự tiếp nối chương trình thời Liên Xô.

Sao Kim đôi khi được coi là “hành tinh chị em” với Trái Đất do kích cỡ và gia tốc hấp dẫn, tuy nhiên nó rất khác.

Nhiệt độ bề mặt khắc nghiệt trung bình 462 °C, áp suất bề mặt khủng khiếp cao gấp 92 lần so với của Trái Đất, bầu khí quyển độc hại chủ yếu là carbon dioxide, lớp mây dày có tính phản xạ cao chứa acid sulfuric và hoạt động địa chất dữ dội, khiến Sao Kim trở thành một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trong Hệ Mặt trời.

Văn Phong/DW, RT

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/tau-tham-do-sao-kim-thoi-lien-xo-roi-xuong-an-do-duong-sau-53-nam-177522.html
Zalo