Cuộc chiến kim loại hiếm định hình lại bản đồ quyền lực?

Khi kim loại hiếm trở thành một tài nguyên chiến lược, những cuộc cạnh tranh địa chính trị xoay quanh chúng ngày càng trở nên căng thẳng.

 Khai thác đất hiếm. Ảnh: Global Times.

Khai thác đất hiếm. Ảnh: Global Times.

Thế kỷ 21 đang chứng kiến một cuộc cách mạng chưa từng có trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ. Tương tự các cuộc cách mạng trước đây, cuộc cách mạng này cũng dựa trên một nguồn tài nguyên quan trọng. Nó quan trọng đến mức các chuyên gia năng lượng, các nhà dự báo công nghệ, các nguyên thủ quốc gia và thậm chí là các chiến lược gia gọi đó là “The next oil”, tức “Dầu mỏ thế kỷ 21”.

Mặt khác của cuộc cách mạng công nghệ xanh và số hóa

Nguồn tài nguyên quan trọng đó là kim loại hiếm, chúng chứa trong vỏ Trái đất và lẫn trong các kim loại phổ biến với tỷ lệ rất nhỏ. Kim loại hiếm có khoảng 30 loại gồm: đất hiếm, vanadi, germani, nhóm kim loại platin, vonfram, antimon, beryli, rheni, tantal, niobi… Những nguyên tố này đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao, từ điện thoại thông minh, xe điện đến tuabin gió và pin lưu trữ năng lượng.

Trong cuốn Cuộc chiến kim loại hiếm, tác giả Guillaume Pitron - nhà báo, đạo diễn phim tài liệu và tác giả người Pháp, chuyên nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên, công nghệ và địa chính trị - đã kể về hành trình điều tra công phu của ông về ngành công nghiệp khai thác kim loại hiếm, với những nghiên cứu thực địa trải dài từ Trung Quốc, Congo, Mông Cổ đến Mỹ, châu Âu và cả những quốc đảo xa xôi.

Tác giả sách cũng cho biết những mặt tối phía sau ngành công nghiệp này. Đó là một thực tế ít được nhắc đến: sự phụ thuộc ngày càng lớn vào kim loại hiếm và những hệ lụy nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra đối với môi trường, kinh tế và địa chính trị toàn cầu.

Trong cuốn sách, Guillaume Pitron đã đưa ra góc nhìn khác biệt về mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ xanh và số hóa, đó là con người đang đẩy gánh nặng ô nhiễm sang một nơi khác, nơi phải chịu hậu quả môi trường nặng nề từ quá trình khai thác và chế biến nguyên liệu thô.

Theo Guillaume Pitron, khai thác các khoáng sản hiếm này đem lại nhiều lợi ích, trừ việc nó không hề sạch. “Năng lượng và các nguồn tài nguyên xanh đều có góc khuất của chúng”. Quá trình khai thác và tinh chế kim loại hiếm ngày nay đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường, khiến nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng nề.

Tại Trung Quốc, vùng Nội Mông - nơi sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới - đã trở thành một khu vực ô nhiễm nghiêm trọng với các hồ nước thải độc hại, không khí nhiễm xạ và đất đai bị tàn phá nặng nề.

Cũng theo Guillaume Pitron việc khai thác và tinh chế các kim loại hiếm này đòi hỏi những công đoạn rất gây ô nhiễm. Việc tái chế cũng không được như kỳ vọng.

Do đó, có một nghịch lý là thế giới của các công nghệ tiên tiến nhất, vốn được coi là “xanh” hơn và thân thiện với môi trường (một yếu tố thiết yếu để hạn chế sự suy giảm chất lượng môi trường), lại phụ thuộc rất nhiều vào các kim loại... “bẩn”. Ngành công nghệ thông tin và truyền thông thải ra lượng khí thải nhà kính nhiều hơn 50% so với ngành vận tải hàng không! Đây thực sự là một vòng luẩn quẩn.

 Sách Cuộc chiến kim loại hiếm. Ảnh: O.P.

Sách Cuộc chiến kim loại hiếm. Ảnh: O.P.

Quân bài chiến lược định hình lại bản đồ quyền lực toàn cầu

Không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường, cuốn sách còn là lời cảnh tỉnh về một cuộc đua âm thầm nhưng quyết liệt - nơi kim loại hiếm không còn là thứ nằm sâu dưới lòng đất, mà là yếu tố định hình cán cân quyền lực toàn cầu.

Trong cuốn sách, Guillaume Pitron đi sâu vào việc phân tích sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng kim loại hiếm.

Tác giả cho biết, Trung Quốc là nước nắm giữ hầu hết nguồn kim loại hiếm, và đương nhiên họ muốn tận dụng lợi thế này một cách triệt để.

Theo tác giả, có khoảng 80-95% sản lượng đất hiếm tinh chế trên thế giới đến từ Trung Quốc, khiến nhiều quốc gia lâm vào thế bị động trong lĩnh vực công nghệ cao. Từ xe điện, tuabin gió, điện thoại thông minh cho đến các hệ thống phòng thủ quân sự, tất cả đều phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm, và Trung Quốc nắm trong tay chìa khóa kiểm soát chuỗi cung ứng này.

Các nước phương Tây cũng nắm giữ nguồn tài nguyên quý này dưới lòng đất, nhưng vì nhiều lý do khác nhau (chi phí khai thác đắt đỏ, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái), nên từ cuối thế kỷ 20 họ đã từ bỏ hoặc coi nhẹ việc khai thác.

Điều này đã đưa Trung Quốc vào thế độc quyền trong việc cung cấp các kim loại hiếm trên toàn cầu, và Bắc Kinh được mệnh danh là “Tân bá chủ kim loại hiếm”.

Đáng chú ý, kim loại hiếm đã trở thành một quân bài chiến lược của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Bắc Kinh từng nhiều lần để ngỏ khả năng hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm như một đòn phản công nhắm vào các ngành công nghệ cao của Mỹ.

Một diễn biến đáng chú ý mới đây là tuyên bố đầy kịch tính của Trung Quốc vào ngày 3/7/2023. Để đáp trả một số quốc gia phương Tây chặn nguồn cung cấp chip điện tử đến Trung Quốc, nước này tuyên bố rằng từ tháng sau đó, việc sản xuất gali, germani, hai kim loại quan trọng thiết yếu cho sản xuất bộ vi xử lý và công nghệ quang học mà Trung Quốc là nhà sản xuất chính trên thế giới, sẽ phải được Chính phủ phê duyệt.

Trong những năm gần đây, tin tức liên quan đến các kim loại hiếm, cấp bách và chiến lược, đang ngày càng dày đặc. Chính sự bùng nổ nhu cầu về các kim loại này đang dần đánh thức Mỹ và châu Âu khỏi giấc ngủ dài.

Mỹ và châu Âu đang tìm cách khôi phục lại năng lực khai thác và tinh chế kim loại hiếm nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Họ cũng lần lượt ký những thỏa thuận đối tác cung cấp kim loại với các quốc gia có nhiều mỏ khoáng sản (Chile, Indonesia, Ghana, Canada...), những nước bất ngờ có được vị thế mới.

Điều này đang tạo ra những biến động lớn trong quan hệ quốc tế, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến các cuộc đàm phán chính trị và kinh tế toàn cầu, định hình lại bản đồ quyền lực trong thế kỷ 21.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-chien-kim-loai-hiem-dinh-hinh-lai-ban-do-quyen-luc-post1552476.html
Zalo