Giải mã bí ẩn: Vì sao chim cánh cụt không bao giờ xuất hiện ở Bắc Cực?

Dù Bắc Cực có khí hậu băng giá quanh năm, nhưng hoàn toàn không có một con chim cánh cụt nào sinh sống tại đây. Sự vắng mặt của loài chim đặc biệt này ở vùng cực Bắc từ lâu đã khiến không ít người thắc mắc. Vậy chim cánh cụt sống ở đâu và vì sao chúng chỉ xuất hiện tại một số khu vực nhất định?

Thực tế, chim cánh cụt là loài chim không biết bay, chỉ sinh sống ở bán cầu Nam. Chúng có mặt từ vùng Nam Cực băng giá đến các hòn đảo hẻo lánh, bờ biển phía nam của châu Phi, Úc, New Zealand và Nam Mỹ. Đặc biệt, tại quần đảo Galapagos nằm trên đường xích đạo, chim cánh cụt cũng hiện diện, khiến đây trở thành nơi duy nhất ở vùng nhiệt đới có loài chim này sinh sống.

Tuy thường gắn liền với hình ảnh băng tuyết, chim cánh cụt không chỉ tồn tại ở nơi lạnh giá. Môi trường sống quan trọng nhất đối với chúng là những vùng biển giàu thức ăn. Ở những khu vực như Galapagos và Peru, nguồn thức ăn dồi dào được duy trì nhờ hiện tượng nước biển sâu liên tục trồi lên, mang theo chất dinh dưỡng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao không có chim cánh cụt ở Bắc Cực? Câu trả lời nằm ở chính đặc điểm sinh học và giới hạn di chuyển của loài vật này. Do không biết bay, chim cánh cụt không thể vượt qua các khoảng cách rộng lớn từ bán cầu Nam lên bán cầu Bắc, nơi thiếu hụt nguồn thức ăn như các vùng biển nhiệt đới. Ngoài ra, chúng là loài làm tổ trên mặt đất và dễ bị tổn thương bởi các loài săn mồi trên cạn. Nếu sinh sống ở Bắc Cực, chim cánh cụt sẽ phải đối mặt với những kẻ săn mồi như cáo, chó sói hay gấu Bắc Cực – điều mà chúng hoàn toàn không được trang bị để đối phó.

Một câu hỏi thú vị khác: làm sao chim cánh cụt không bị đóng băng đôi chân trần khi đứng hàng giờ trên băng tuyết? Khi nhiệt độ môi trường giảm xuống dưới 0 độ C, chim cánh cụt sẽ tăng cường lưu thông máu ấm đến chân để giữ ấm. Tuy nhiên, việc này cũng khiến chúng mất nhiều nhiệt. Vì thế, để cân bằng giữa việc giữ ấm và tiết kiệm năng lượng – yếu tố sống còn với loài chim này – chim cánh cụt phát triển một hệ thống trao đổi nhiệt ngược dòng vô cùng hiệu quả.

Bộ lông chống thấm nước, lớp mỡ dày dưới da và hệ thống mạch máu tinh vi giúp chim cánh cụt cách nhiệt tối ưu. Ở bàn chân và màng chân – khu vực thoát nhiệt chính – máu ấm từ động mạch nhỏ đến sẽ được làm nguội trước khi vào chi, sau đó máu tuần hoàn ngược lại sẽ được làm ấm trước khi trở lại cơ thể, từ đó tránh làm lạnh phần thân.

Tuy nhiên, đặc điểm này có thể trở thành bất lợi nếu chim cánh cụt sống ở nơi quá nóng. Những loài sinh sống tại vùng ấm hơn, chẳng hạn Nam Phi, thường có màng chân chèo lớn và mặt không có lông để dễ thoát nhiệt hơn.

Không chỉ giỏi chịu lạnh, chim cánh cụt còn là những vận động viên lặn cừ khôi. Chúng có thể lặn sâu hàng trăm mét dưới biển. Trong quá trình này, nhịp tim của chúng có thể giảm xuống chỉ còn 6 nhịp/phút, và máu giàu oxy được dồn vào tĩnh mạch để sẵn sàng cho một cú lặn kéo dài. Với lượng không khí dự trữ tối thiểu và tuần hoàn phổi giảm, chim cánh cụt tận dụng tối đa lượng oxy trước khi lao mình xuống biển sâu. Khi trồi lên mặt nước, chúng sẽ nhanh chóng hít một hơi thật sâu để bổ sung oxy cho cơ bắp. Chỉ sau vài phút, chim cánh cụt đã có thể hồi phục hoàn toàn.

Những đặc điểm sinh học độc đáo đã giúp chim cánh cụt thích nghi hoàn hảo với môi trường khắc nghiệt của bán cầu Nam. Nhưng chính những giới hạn về sinh học và môi trường đã khiến loài chim này hoàn toàn vắng bóng ở Bắc Cực.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/giai-ma-bi-an-vi-sao-chim-canh-cut-khong-bao-gio-xuat-hien-o-bac-cuc/20250512113631274
Zalo