Tạo môi trường thuận lợi nhất để phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Với mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn cho kinh tế đất nước, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trong quá trình lập đề nghị và xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã thực hiện tổng kết thi hành pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin để xác định rõ điểm nghẽn. Từ đó đánh giá tác động chính sách và đề xuất 14 chính sách khả thi nhằm thúc đẩy công nghiệp công nghệ số.

Các chính sách mới, mang tính đột phá trong 14 chính sách do Chính phủ đề xuất gồm: cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vượt trội đối với một số dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn, dự án xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo; cơ chế đặc thù phát triển công nghiệp bán dẫn; quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) để hạn chế rủi ro và thúc đẩy phát triển, cung cấp, ứng dụng AI tại Việt Nam; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn có các quy định chung cần thiết khác để phát triển một ngành công nghiệp quốc gia như nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, quản lý chất lượng, phát triển thị trường, hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số... đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ưu đãi sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số (Điều 29), về cơ chế đặt hàng (Điều 33), cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Chương VI), công nghiệp bán dẫn (Chương III), trí tuệ nhân tạo (Chương IV).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cũng khẳng định, các chính sách được quy định trong dự thảo Luật là những chính sách mới, có tính đột phá chưa từng có trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây và được xây dựng trên cơ sở đánh giá tính khả thi, xác định rõ các điểm nghẽn và kịp thời tháo gỡ để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) ghi nhận, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã cơ bản hoàn thiện, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số.

Quan tâm đến các chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Điều 15 dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, nội dung này đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều cơ chế ưu đãi vượt trội cho những dự án đặc biệt nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số. Nhiều ưu đãi về thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm chuyển dịch từ gia công lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam…

Bên cạnh những cơ chế, chính sách đã đề cập trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc giao Chính phủ nghiên cứu quy định nội dung này để có thêm những chính sách ưu đãi vượt trội hơn, nhằm bảo đảm tính khả thi và thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư và nghiên cứu.

Mặc dù trong dự thảo Luật có đề cập đến những chính sách hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số nhưng “mới chỉ dừng ở việc thúc đẩy còn thúc đẩy như thế nào thì chưa rõ?”. Nêu vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh, mấu chốt của việc xây dựng và ban hành Luật này nhằm tháo gỡ điểm nghẽn bằng những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội và cụ thể hơn, tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế có đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số Việt Nam, góp phần thực sự đưa Nghị quyết số 57 - NQ/TW của Đảng đi vào cuộc sống. Với mong muốn như vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị, cần có những cơ chế phù hợp nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số; có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư tốt hơn nữa trong việc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo khởi nghiệp trong phát triển và áp dụng công nghệ số.

Chia sẻ mối quan tâm với đại biểu Trần Thị Thanh Hương về việc tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, cần tăng cường đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số; cụ thể hóa các chính sách ưu đãi bằng những chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng… đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Về nguồn tài chính cho phát triển công nghệ số, khoản 3, Điều 10 dự thảo Luật quy định, việc phân bổ ngân sách nhà nước cho phát triển công nghiệp công nghệ số của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ. Nhất trí với nội dung này, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm tính ổn định và khả năng cân đối của ngân sách hàng năm cho phát triển công nghệ số. Song, đại biểu Lã Thanh Tân cũng thấy rằng, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có nhiều đặc thù, như diễn biến rất nhanh chóng với nhiều công nghệ đột phá. Vì vậy, cần đưa vào dự thảo Luật quy định về một số cơ chế phân bổ ngân sách cho phát triển công nghiệp công nghệ số đối với các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh ngoài kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm, không phụ thuộc vào kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ của năm trước đó nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Xây dựng bài bản nguồn nhân lực cho công nghệ số

Để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam, dự thảo Luật có các quy định liên quan đến thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao (Điều 18, Điều 19), chuyển giao công nghệ (Điều 4, Điều 6, Điều 43), phát triển hạ tầng đối với các dự án đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi đầu tư (Điều 43)... Đây là những nội dung có nhiều điểm mới, tiến bộ được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Về các chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao tại Điều 18 dự thảo Luật, đại biểu Lã Thanh Tân nhận thấy, nội dung này "rất mạnh dạn và tiến bộ". Để thực hiện được các chính sách này, cụ thể là khoản 4 Điều 18 liên quan đến chi trả chế độ, chính sách cho nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao được điều chuyển, biệt phái giữa khối doanh nghiệp và khối nhà nước, đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị, nên sửa các quy định liên quan trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) lần này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của quy định.

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, để bảo đảm việc áp dụng các chính sách này đạt hiệu quả cao nhất trong việc thu hút nhiều nhân lực công nghệ chất lượng cao là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ và kỹ năng đáp ứng các tiêu chí theo quy định, đồng thời, tránh kẽ hở dẫn tới việc lợi dụng chính sách, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng nhân lực cùng với chính sách thu hút trọng dụng nhân lực công nghiệp công nghệ số tại khoản 4 và khoản 5, Điều 18 dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 4 Điều 18.

Nhằm tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước trong việc thành lập, mở rộng khu công nghệ số tập trung, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng đề nghị cân nhắc, bổ sung tiêu chí rõ ràng về hiệu quả đầu tư liên quan đến nội dung thành lập, mở rộng Khu công nghệ số tập trung tại Điều 22 dự thảo Luật.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-moi-truong-thuan-loi-nhat-de-phat-trien-doanh-nghiep-cong-nghe-so-10371914.html
Zalo