Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát: 'Chuyển hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW, phải hành động nhanh, hành động đúng'
'Nghị quyết 68-NQ/TW đã khơi gợi niềm cảm hứng rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp' – Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Từ Tiến Phát chia sẻ, không giấu được niềm hồ hởi trước một Nghị quyết được đánh giá là 'đi thẳng vào trăn trở' của doanh nghiệp. Ngay lập tức, ACB đã nhanh chóng chuyển hóa tinh thần Nghị quyết 68 thành hành động cụ thể, với gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và loạt giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành với kỳ vọng lớn lao đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đây không chỉ là sự ghi nhận vai trò, mà còn là lời hiệu triệu, kêu gọi sự đồng lòng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ- nhóm đối tượng được định định danh, trao kỳ vọng và cũng là nhóm đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ Nghị quyết. ACB và cá nhân ông đón nhận Nghị quyết này thế nào?
Ông Từ Tiến Phát: Khi chúng tôi đọc Nghị quyết 68 thì điều đầu tiên chúng tôi thấy được truyền cảm hứng, rất hạnh phúc. Một Nghị quyết của Đảng đi rất sát vào thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp như này thì rất tuyệt vời.

Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết, Nghị quyết 68 có các điểm rất cởi mở, tất nhiên thời gian tới, cũng cần hiện thực về quy định, thể chế để làm sao chính sách này có thể đi vào cuộc sống hiệu quả nhất.
Về góc độ là một doanh nghiệp tài chính ngân hàng, phục vụ doanh nghiệp, chúng tôi thấy được 4 mối quan tâm của doanh nghiệp xuyên suốt nhiều năm qua là chi phí, thủ tục, thị trường, làm sao để chuyển đổi xanh theo định hướng.
Nói về chi phí, điều đầu tiên là miễn thuế. Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu, điều này là tuyệt vời. Trong 3 năm đầu là thời gian sinh tồn của doanh nghiệp, những doanh nghiệp mới phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp start-up, họ đầu tư, có thể một phần đầu tư trong đó là mạo hiểm, thì 3 năm đầu miễn thuế là một cách nuôi dưỡng các doanh nghiệp đó. Hiện nay, doanh nghiệp của chúng ta đa số là nhỏ và siêu nhỏ, và thường là trên 50% khi doanh nghiệp thành lập ra 1 - 2 năm đầu khó tồn tại được. Vì thế, đây là một chính sách rất tốt.
Thứ 2 là việc tiếp cận tài sản là đất công. Để thuê được những tài sản với chi phí phù hợp, cạnh tranh, là một điều tương đối khó khăn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian vừa qua đã dễ dàng trong việc tiếp cận, tuy nhiên họ gặp những cản trở như là tài sản thế chấp, cho vay như thế nào, định giá tài sản như thế nào, cũng như việc minh bạch về thuế như thế nào.
Cũng một chủ điểm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng là bảo lãnh. Bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực tiễn chưa phát huy được tác dụng. Giai đoạn đầu có bảo lãnh nhưng dần dần không còn hiện thực nữa. Việc bảo lãnh phải vào nhu cầu thực chất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, và có thể phải mở rộng ra một số phạm vi, chứ không phải bảo lãnh về vay vốn. Đó là điều chúng tôi cũng rất quan tâm.
Có một chủ điểm mà chúng tôi cũng thấy rất hay là kinh tế chuỗi. Nay chúng ta có Nghị quyết để góp phần phát triển doanh nghiệp lớn và cùng với những chuỗi cung ứng thì đi theo sau đó là những doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đây là một chính sách rất đột phá.
Cuối cùng mà tôi muốn nói là chuyển đổi xanh. Đây là vấn đề rất mới, ít được nêu tại các nghị quyết trước, nhưng nay Nghị quyết 68 đã nói về chuyển đổi xanh. Mục tiêu đến 2050 là phát thải ròng bằng 0 mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra, chúng ta thấy rằng cần hiện thực hóa bằng những chính sách cụ thể. Chúng ta mong rằng sau Nghị quyết này, sẽ có những hướng dẫn cụ thể, những khung tín dụng để làm sao đạt được tín dụng xanh này.
Có thể thấy, Nghị quyết 68 có các điểm rất cởi mở, tất nhiên thời gian tới cũng cần hiện thực về quy định, thể chế để làm sao chính sách này có thể đi vào cuộc sống hiệu quả nhất. Chúng tôi rất kỳ vọng, Nghị quyết sẽ sớm được hiện thực hóa trong thời gian sắp tới.
Tinh thần của Chính phủ và các cơ quan liên quan là hành động quyết liệt. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông, doanh nghiệp cần gì, cái gì là thiết thực, có thể chuyển động ngay?
Ông Từ Tiến Phát: Điều chúng tôi mong mỏi nhất là cắt giảm và số hóa thủ tục hành chính. Dù cơ chế "xin – cho" dần được loại bỏ, nhưng khi còn yếu tố con người thì vẫn còn rủi ro. Chỉ khi số hóa, tự động hóa triệt để thì mới thực sự loại bỏ được các thủ tục rườm rà.

Hơn 95% khách hàng doanh nghiệp của ACB hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ- nhóm được định danh, trao kỳ vọng, và cũng là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ Nghị quyết 68
Sau nữa là tính nhất quán trong thực thi chính sách giữa các địa phương. Doanh nghiệp không chỉ hoạt động ở một tỉnh mà ở nhiều nơi, nếu mỗi nơi hiểu và thực hiện luật khác nhau thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong có sự thống nhất toàn quốc trong thực thi quy định để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Được biết, ACB là ngân hàng đầu tiên triển khai hành động ngay sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành. Ông có thể thông tin thêm về các chính sách đóng góp vào thực thi Nghị quyết 68-NQ/TW?
Ông Từ Tiến Phát: Nhiều nội dung tại Nghị quyết 68 cũng là những trăn trở thường trực của ACB và khách hàng.
Xin được chia sẻ, hơn 95% khách hàng doanh nghiệp của ACB hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ- chính là nhóm được định danh, được trao kỳ vọng, và cũng là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ các chính sách cải cách lần này. Từ miễn giảm thuế, cải thiện tiếp cận đất đai đến ưu tiên tín dụng – tất cả đều tác động tức thì đến năng lực vận hành, dòng tiền và cơ hội phát triển của chính khách hàng ACB.
Với vai trò là đối tác hàng đầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khu vực FDI, ACB xác định phải hành động trước, hành động nhanh, và hành động đúng, để vừa thích ứng với thay đổi, vừa hỗ trợ khách hàng nắm bắt được cơ hội chính sách kịp thời và hiệu quả.
Hành động của chúng tôi xoay quanh bốn trụ cột: nguồn vốn, chuyển đổi số, mở rộng thị trường, và phát triển bền vững.
Đồng hành trong giải pháp nguồn vốn, ACB triển khai gói hỗ trợ tổng quy mô 40.000 tỷ đồng, trong đó, 20.000 tỷ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 20.000 tỷ dành cho các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng, công nghệ số. Lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 2% trở lên. Cho vay không yêu cầu tài sản thế chấp ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu; tài trợ tín dụng theo chuỗi cung ứng…
Đồng hành trong hoạt động chuyển đổi số, ACB cung cấp giải pháp thanh toán vượt trội giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh dễ dàng quản lý kinh doanh, tối ưu tài chính. Giải pháp thanh toán toàn diện gồm QR thanh toán, Smart POS, Open API, được cung cấp hoàn toàn miễn phí.
Đồng hành trong hoạt động phát triển thị trường, ACB là cầu nối để kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh, qua đó tiếp cận hơn 8 triệu khách hàng tiềm năng bằng những sự kiện gặp gỡ, kết nối và cung cấp giải pháp quảng bá miễn phí trên kênh ngân hàng số của ACB.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, ACB tư vấn, cấp tín dụng, cùng đồng hành với khối doanh nghiệp này trong các hoạt động ESG.