Chàng trai Ê Đê bỏ nghề bác sĩ về xây dựng thương hiệu cà phê trong buôn làng

Đang là một bác sĩ có thu nhập ổn định nhưng chàng trai người Ê Đê (quê Đắk Lắk) bỏ ngang về buôn làng xây dựng thương hiệu cà phê Ê Đê. Anh được bình chọn 'Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022'.

Y Pốt và những hạt cà phê chín mọng bên vườn liên kết với bà con buôn làng. Ảnh: NVCC

Y Pốt và những hạt cà phê chín mọng bên vườn liên kết với bà con buôn làng. Ảnh: NVCC

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em, kinh tế khó khăn nhưng Y Pốt (1988, người dân tộc Ê Đê, trú buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) đã vươn lên thành một chàng trai ưu tú của buôn làng.

Năm 2012, Y Pốt đậu vào một trường Y khoa ở Đà Nẵng. Năm 2015, Y Pốt ra trường rồi công tác tại một số bệnh viện ở Đà Nẵng, TPHCM sau đó về làm Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột. Lúc này, Y Pốt trở thành niềm tự hào của gia đình và tất cả bà con buôn Kla.

Những hạt cà phê đạt độ chín được Y Pốt làm thành nhiều sản phẩm mang ra thị trường. Ảnh: Hải Dương

Những hạt cà phê đạt độ chín được Y Pốt làm thành nhiều sản phẩm mang ra thị trường. Ảnh: Hải Dương

Trong thời gian công tác tại Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột, Y Pốt cảm thấy rất thoải mái và phù hợp với công việc này. Tuy nhiên do có ý tưởng làm một thương hiệu cà phê từ rất lâu nên chàng trai này vẫn nghiên cứu, ấp ủ ước mơ làm cà phê.

Đầu năm 2019, anh gây bất ngờ cho gia đình khi quyết định từ bỏ công việc ổn định để về buôn Kla khởi nghiệp với 1,5ha cà phê sẵn có. Quyết định này vấp phải sự phản đối gay gắt từ cha mẹ và sự thờ ơ của anh chị em. Áp lực từ dư luận càng khiến gia đình Y Pốt thêm nặng nề.

Dù bị rất nhiều áp lực từ người thân nhưng Y Pốt vẫn kiên trì làm việc như một con ong cần mẫn để chứng minh với gia đình bằng thành quả lao động của bản thân.

Xây dựng thương hiệu cà phê vươn tầm thế giới

Sau khi bỏ nghề bác sĩ để bắt tay làm cà phê, Y Pốt nhận thấy người Ê Đê thưởng thức cà phê theo một cách riêng. Khi đến mùa thu hoạch, người Ê Đê cứ hái dần từng hạt cà phê chín mọng mang về phơi. Sau khi tách vỏ, những hạt cà phê nhân được đem rang trên bếp lửa.

Khi đã rang xong, hạt cà phê tiếp tục đưa vào cối giã mịn. Sau đó dùng giấy hoặc vải để pha cà phê uống, cà phê lúc này có hương vị mùi khói, đậm đà rất khó tả khiến Y Pốt quyết tâm tạo ra thương hiệu cà phê mang "hương vị Ê Đê".

Lúc này Y Pốt đã dành thời gian tìm hiểu cách chế biến cà phê của đồng bào mình, sau đó tự tay rang xay ra loại cà phê mang "hương vị Ê Đê" biếu bạn bè, anh em và được mọi người khen ngợi.

Thấy có tín hiệu tốt đẹp, Y Pốt lựa chọn những hạt cà phê chín trong vườn nhà, rang xay đóng gói rồi rao bán và tiếp tục nhận được rất nhiều đơn hàng mà bản thân chàng trai này không nghĩ tới.

Sau khi có nhiều đơn hàng trong nước, Y Pốt thành lập Công ty TNHH Ê Đê Café do mình đứng tên, sau đó thuê đơn vị độc lập về kiểm tra, đánh giá, xét nghiệm từ đất, nước, hạt cà phê… Kết quả, sản phẩm cà phê của Y Pốt được chứng nhận HACCP và ISO 22000.

Từ khi sản phẩm của mình đạt chứng nhận HACCP và ISO 22000, Y Pốt mạnh dạn quảng bá sản phẩm của mình ở các Hội chợ triển lãm, mạng xã hội, kênh trực tuyến, phân phối qua các đại lý...

Nhờ sự khéo léo trong kinh doanh, quảng bá thương hiệu mà Ê Đê Café đã tạo ra một dấu ấn riêng mình, là sản phẩm đặc trưng của người Ê Đê.

Hiện tại công ty của Y Pốt đã có những đơn hàng lên cả chục tấn cà phê xuất khẩu sang thị trường Mỹ và một số nước khác.

Y Pốt (trái) vui mừng vì những sản phẩm cà phê của mình rất được khách hàng đón nhận. Ảnh: Hải Dương

Y Pốt (trái) vui mừng vì những sản phẩm cà phê của mình rất được khách hàng đón nhận. Ảnh: Hải Dương

Chia sẻ với PV VietNamNet, Y Pốt cho biết, khi bỏ nghề bác sĩ cả gia đình đều phản đối, tuy nhiên ước mơ của bản thân là xây dựng một thương hiệu cà phê của người Ê Đê nên vẫn kiên quyết làm.

Theo lời Y Pốt, ngay từ đầu anh đã muốn làm sản phẩm cà phê an toàn, chất lượng nên phải sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ. Hiện tại, Công ty TNHH Ê Đê Café đã liên kết với 100 hộ dân với diện tích lên đến 50ha cà phê ở buôn Kla và một số buôn khác của xã Đray Sáp.

Theo Y Pốt, tất cả những hộ dân liên kết đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, thu hoạch cà phê mà công ty đưa ra. Khi bà con đã tuân thủ quy trình thì toàn bộ sản phẩm của họ sẽ được công ty thu mua với giá cao hơn so với thị trường và được đầu tư phân bón, vật tư mà không phải trả lãi suất.

"Đến mùa thu hoạch cà phê, tôi phải đi kiểm tra từng cây cà phê, nếu đạt độ chín trên 95% thì mới cho hái. Sau khi hái xong mang về còn phải lựa chọn bằng thủ công một lần nữa nhằm đảm bảo hạt cà phê phải đúng theo tiêu chuẩn của mình", Y Pốt chia sẻ.

Y Pốt cũng tiết lộ, bản thân đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ đạt doanh thu khoảng 50 tỷ đồng. Được biết, hiện Công ty TNHH Ê Đê Café sản xuất ra 10 mặt hàng về cà phê và toàn bộ công thức chế biến đều do Y Pốt nghiên cứu. Công ty TNHH Ê Đê café được UBND tỉnh Đắk Lắk chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sản phẩm cà phê bột Robusta được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh...

Y Pốt lọt vào top 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước và được nhận nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chang-trai-e-de-bo-nghe-bac-si-ve-xay-dung-thuong-hieu-ca-phe-trong-buon-lang-2396238.html
Zalo