ĐBQH Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh: Luật Công nghiệp công nghệ số đảm bảo sự phát triển bền vững, minh bạch và an toàn

Chiều 9/5, tại phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Đây là dự án luật được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, tài sản mã hóa và dữ liệu số.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 9

Quang cảnh Kỳ họp thứ 9

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu chuyên trách Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, đi vào chiều sâu của từng điều luật nhằm hoàn thiện dự thảo, đảm bảo cho nền công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững, minh bạch và an toàn.

Về hoạt động công nghiệp công nghệ số (Điều 12), đại biểu đề nghị chỉnh sửa khái niệm “sản phẩm nội dung số” theo hướng rõ ràng và phù hợp logic với các điểm khác trong điều luật, phản ánh đúng bản chất các sản phẩm được tạo, phân phối và sử dụng qua môi trường số.

Tại Điều 17 về chính sách phát triển nhân lực, đại biểu Tú Anh đề nghị bổ sung nội dung "thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số", nhằm giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận tri thức và mô hình đào tạo tiên tiến trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ.

Đặc biệt, về quản lý và phát triển dữ liệu số (Điều 26), đại biểu nhấn mạnh cần bổ sung nội dung "xây dựng văn hóa dữ liệu" – một yếu tố cốt lõi giúp hình thành tư duy dữ liệu trong tổ chức và xã hội, đề cao tính minh bạch, bảo mật và ra quyết định dựa trên dữ liệu đáng tin cậy.

Góp ý về phi cá nhân hóa dữ liệu (Điều 27), đại biểu Tú Anh phân tích sâu sắc về các rủi ro tái nhận diện trong xử lý dữ liệu. Đại biểu cho rằng, quy định hiện tại chưa đầy đủ, cần chỉnh sửa theo hướng “không thể xác định hoặc chỉ có thể xác định với xác suất rất thấp trong giới hạn cho phép”; đồng thời, kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ tiêu chuẩn và xác định trách nhiệm trong chia sẻ dữ liệu đã phi cá nhân hóa.

Với Điều 28 về chất lượng dữ liệu số, đại biểu đề xuất bổ sung yêu cầu "dễ truy cập, dễ sử dụng", phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như ISO/IEC 25012:2008, đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận dữ liệu minh bạch và hiệu quả.

Tại Điều 39 về phát triển công nghiệp bán dẫn, đại biểu Tú Anh đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường và đảm bảo chủ quyền công nghệ. Theo đại biểu, đây là yêu cầu thiết yếu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, đồng thời góp phần định hướng phát triển ngành bán dẫn theo hướng bền vững và chiến lược.

Về tài sản số (Điều 49), đại biểu đề xuất bổ sung cụm từ “có tính độc nhất hoặc có thể thay thế” nhằm phân loại rõ NFT, token, hay các tài sản kỹ thuật số khác trong thực tế. Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cách tài sản số được định giá, giao dịch và quản lý pháp lý.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/dbqh-lam-dong-trinh-thi-tu-anh-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-dam-bao-su-phat-trien-ben-vung-minh-bach-va-an-toan-2d60ea6/
Zalo