Doanh nghiệp xuất khẩu 'chạy đua' trước thời điểm Mỹ áp mức thuế mới
Ngày 9/7 là hạn cuối của Mỹ tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày với 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước giờ 'G' này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở TP.HCM đang tăng tốc sản xuất để giao đơn hàng cho đối tác ở Mỹ trước khi có mức thuế mới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tìm cách ứng phó linh hoạt.
Giảm lợi nhuận, chia sẻ với khó khăn khách hàng
Công ty Cổ phần Quốc tế Dony có 40% sản phẩm may mặc xuất khẩu sang Mỹ. Để “chạy đua” trước thời gian gia hạn thuế này, nhiều khách hàng ở Mỹ yêu cầu doanh nghiệp rút ngắn thời gian giao hàng. Thay vì trước đây tiến độ giao hàng trong 3 tháng thì nay chỉ còn 1,5 tháng.
Chính vì vậy, những ngày này, toàn bộ công nhân của Công ty Cổ phần Quốc tế Dony tăng ca liên tục để sản xuất các lô hàng quần áo đồng phục (quần áo cổ vũ) cho khách hàng ở Mỹ. Đối tác yêu cầu doanh nghiệp phải giao hàng vào cuối tháng 5 hoặc chậm nhất là đầu tháng 6. Vì hàng vận chuyển từ Việt Nam đến các cảng ở phía bờ Đông của Mỹ mất từ 22-25 ngày.
Ông Phạm Quang Anh, CEO công ty cổ phần quốc tế Dony cho biết, để kịp giao hàng thì doanh nghiệp đã thúc ép các nhà cung cấp nguyên vật liệu giao gấp để kịp sản xuất, nhưng không tăng giá. Đồng thời, doanh nghiệp cho công nhân tăng ca, tuyển thêm lao động thời vụ và đưa hàng cho đối tác bên ngoài gia công. Doanh nghiệp chủ động làm theo quy trình cuốn chiếu, hoàn tất lô nào gửi lô đó, không chờ đến khi hoàn thành cả hợp đồng.
“Việc tăng ca, tuyển thêm lao động thời vụ làm cho chi phí nhân công tăng 20%. Tổng chi phí sản xuất sản phẩm tăng thêm khoảng 10%, trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Vì vậy, doanh nghiệp phải cắt giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chia sẻ khó khăn với khách hàng trong thời điểm đặc biệt này”, ông Phạm Quang Anh cho biết.

Nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhà cung cấp giao nguyên liệu gấp để sản xuất nhanh, kịp giao hàng trước khi có mức thuế mới (Ảnh: doanh nghiệp cung cấp)
Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu đủ mạnh
Còn ở lĩnh vực chế biến đồ gỗ xuất khẩu, Công ty Cainver có 70% sản phẩm xuất sang Mỹ. Doanh nghiệp này đang tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng trước khi có mức thuế mới. Ông Bill Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty Cainver cho biết, hầu hết nhà nhập khẩu ở Mỹ đều yêu cầu giao hàng trước thời hạn. Vì vậy, công ty huy động toàn bộ nhân viên, công nhân làm việc hết công suất và phải khuyến khích họ tăng ca, làm thêm giờ để kịp tiến độ.
Tuy nhiên, trước áp lực giao hàng nhanh, công ty phải ưu tiên chọn những đơn hàng lớn và cấp thiết để làm trước, còn hàng thời vụ như Giáng sinh sẽ thực hiện sau. Những đơn hàng đồ nội thất ngoài trời cho mùa hè này đang được doanh nghiệp tăng tốc làm và giao trước. Thêm vào đó, hiện nay các nhà mua hàng lớn đang đàm phán ép giá mạnh tay hơn, yêu cầu doanh nghiệp sản xuất chia sẻ thuế. Tiền mua hàng thì cho họ trả chậm 90-120 ngày. Đồng thời, các nhà mua hàng cũng bắt đầu tìm kiếm nhà cung cấp từ các quốc gia khác với thuế suất tốt hơn như Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ...
Theo ông Bill Nguyễn, nếu không có một hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu đủ mạnh, từ ngân hàng đến logistics thì doanh nghiệp Việt sẽ tụt lại và bị thay thế. Còn về thủ tục hải quan, doanh nghiệp mong muốn các đơn vị chức năng có sự liên thông, rút gọn và có cam kết thời gian xử lý rõ ràng.
“Cơ quan Hải quan nên đồng bộ thủ tục hải quan để giảm thiểu thời gian lưu kho container của doanh nghiệp. Bây giờ, Thành phố rất kẹt xe, nếu thủ tục hải quan thông quan chậm thì hàng sẽ lênh đênh trên biển không biết có kịp thời hạn trước 90 ngày? Dù chúng tôi sản xuất overtime. Nếu hàng giao chậm thì sẽ bị áp thuế và các nhà nhập khẩu sẽ chạt chi phí này lên nhà sản xuất”, ông Bill Nguyễn kiến nghị.

Khách hàng xem sản phẩm gỗ trưng bày triển lãm quốc tế về đồ gỗ xuất khẩu tại Quận 7, TP.HCM (Ảnh: QH)
Trước áp lực thời gian giao hàng như hiện nay, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, giữa doanh nghiệp sản xuất và nhà mua hàng đang phối hợp chặt chẽ hơn để việc giao hàng nhanh. Trong tình hình thị trường xuất khẩu diễn biến khó lường hiện nay, việc tìm thị trường xuất khẩu mới không dễ dàng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may, vì vậy, ông Hồng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn này để ổn định lao động.
“Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp ổn định trong thời gian ngắn này. Nhà nước quan tâm thêm các chính sách như về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… các loại thuế chưa cần thiết lắm thì hoãn cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và giữ lao động để khi có cơ hội thì doanh nghiệp tận dụng, khai thác tốt”- ông Phạm Xuân Hồng kiến nghị.
Hiện nay, doanh nghiệp cũng chưa biết mức thuế mà Việt Nam đang đàm phán với Mỹ sẽ như thế nào. Để chủ động, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở TP.HCM tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng trước khi có mức thuế mới. Doanh nghiệp cũng chuẩn bị những phương án sản xuất, kinh doanh linh hoạt trước những biến động khó lường của thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, xây dựng một hệ sinh thái xuất khẩu đủ mạnh, thuận lợi hơn để nâng tính cạnh tranh.