Tăng trưởng tín dụng gây bất ngờ ngay từ đầu năm

Ngay từ đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận mức tăng trưởng dương, trái ngược với xu hướng giảm của hai năm gần đây.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM vừa cho biết tính đến cuối tháng 1 vừa qua, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 3,9 triệu tỉ đồng, tăng 0,04% so với cuối năm 2024 và tăng 12,43% so với cùng kỳ.

Cụ thể, dư nợ cho vay ngắn hạn giảm 0,73% và cho vay trung dài hạn tăng 0,77% so với cuối năm 2024. Dù trong tháng 1-2025, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,04% song đây là điểm khác biệt so với 2 năm trước đây. Bởi tín dụng tháng 1-2024 giảm 0,93% và tháng 1-2023 giảm 0,48%.

Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần là khối có tỉ trọng tín dụng cao nhất trên địa bàn (chiếm 56,7% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn) có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng là 0,11%.

Khối ngân hàng nước ngoài (tỉ trọng tín dụng chỉ chiếm 9,5%) có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng đạt 1,36%. Đây là hai khối duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng dương trong tháng đầu năm nay trên địa bàn thành phố.

 Ngân hàng thương mại tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm. Ảnh: T.L

Ngân hàng thương mại tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm. Ảnh: T.L

Ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã sớm triển khai, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025. Đơn cử tại Agribank, với việc NHNN giao mục tiêu dư nợ tăng thêm trong năm 2025 khoảng 200.000 tỉ đồng (tương đương mức tăng trưởng tín dụng đạt 13%), ngân hàng này tiếp tục tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm như phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt... các dự án năng lượng tái tạo.

Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, các chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Bên cạnh đó, dòng tín dụng cũng sẽ được tập trung hướng vào lĩnh vực lâm thủy sản, Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030...

Theo NHNN, kể từ đầu năm 2026, tất cả hàng hóa xuất khẩu ra thị trường quốc tế sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Do đó, tín dụng xanh trở thành một yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tương tự, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm ngân hàng BIDV đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng như hạ lãi suất cho vay đối với gần 400.000 khách hàng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà băng này cũng khẳng định vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính xanh với việc phát hành thành công 5.500 tỉ đồng trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Đồng thời, BIDV còn triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho các công trình xanh... Tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng có quy mô dư nợ tín dụng xanh số 1 Việt Nam với dư nợ trên 75.000 tỉ đồng, chiếm gần 12% tổng dư nợ tín dụng xanh toàn nền kinh tế.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tang-truong-tin-dung-gay-bat-ngo-ngay-tu-dau-nam-post834690.html
Zalo