Nhà mạng được hưởng chính sách đặc biệt khi đầu tư phát triển mạng 5G

Doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G và đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G trong năm 2025, sẽ được hỗ trợ 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng.

Ngày 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Điểm đặc biệt của Nghị quyết này là sẽ dành ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G trên toàn quốc.

Theo đó, doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G phải đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2025. Tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông theo quy định này không vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá của các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện trong năm 2024. Mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ.

Nghị quyết này cũng đã đưa ra chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư. Theo đó, các dự án đầu tư các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển có trạm cập bờ tại Việt Nam được áp dụng trình tự, thủ tục quy định cho dự án đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư và phải đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết cho phép cấp phê duyệt chủ trương đầu tư quyết định việc sử dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư trên để triển khai trong giai đoạn 2025-2030, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp.

Trong trường hợp không sử dụng hình thức chỉ định thầu, việc lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án đầu tư được thực hiện theo thông lệ quốc tế được các bên thống nhất hoặc ký kết giữa doanh nghiệp viễn thông Việt Nam và tổ chức nước ngoài là thành viên góp vốn đầu tư xây dựng tuyến cáp quang biển quốc tế.

Theo bà Rita Mokbel, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ericsson Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hạ tầng số. Ảnh: MB

Theo bà Rita Mokbel, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ericsson Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hạ tầng số. Ảnh: MB

Phát biểu trước các hội, hiệp hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp ICT ngày 19/2/2025, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chúng ta cần mạng viễn thông phủ kín toàn quốc nhanh, nhưng doanh nghiệp chi rón rén mỗi năm chỉ phát triển khoảng 5.000 trạm. Vì vậy, nếu muốn phát triển 20.000 trạm 5G để phủ sóng toàn quốc thì nhà nước sẽ hỗ trợ, đây là chính sách rất đặc biệt. Lần đầu tiên, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đến 15% tổng giá trị đầu tư về 5G nếu nhà mạng đó làm tối thiểu 20.000 trạm 5G trong năm 2025.

Chia sẻ tiếp về chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cáp quang biển của Việt Nam hiện nay còn ít, có những hướng tương đối có rủi ro. Bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đầu tư, đi tìm những hướng, tuyến mới để đảm bảo độ an toàn, bền vững cho mạng viễn thông. Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua có chính sách để phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư.

Theo bà Rita Mokbel, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ericsson Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hạ tầng số. 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đặc biệt, hạ tầng mạng 5G dùng riêng sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông.

"5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025", bà Rita Mokbel nhận định.

Theo con số công bố của Viettel, hiện nhà mạng này có hơn 6.500 trạm BTS 5G, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Mạng 5G Viettel có tốc độ có thể đạt từ 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G NSA của Viettel có tốc độ gấp 20 lần 4G truyền thống giúp cung cấp các dịch vụ yêu cầu sự phản hồi tức thì như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, điều khiển từ xa trong nhà máy thông mình, lớp học thực tế ảo…

Theo thông báo của Viettel, hết tháng 1/2025, thuê bao 5G Viettel đã đạt mốc 5,5 triệu người dùng chỉ 5 tháng sau khi khai trương, tiến gần hơn với mục tiêu 10 triệu thuê bao 5G của năm 2025. Điều này cho thấy sức hút và tiềm năng của 5G tại Việt Nam là rất lớn.

Cùng với Viettel, VNPT cũng tuyên bố phủ sóng tới tất cả khu vực trung tâm của 63 tỉnh, thành phố và tất cả 705 đơn vị hành chính cấp quận, huyện cùng các khu vực quan trọng như khu công nghiệp, sân bay, trung tâm chính trị. VNPT cho hay, hiện có khoảng 3 triệu thuê bao đang sử dụng 5G.

Tuy chưa tuyên bố khai trương dịch vụ, nhưng MobiFone cũng đã cung cấp dịch vụ 5G cho khách hàng. MobiFone cho biết, nhà mạng này đang mở rộng hạ tầng viễn thông và bổ sung dải băng tần phát sóng 5G và hướng tới phát sóng 5G tại 100% các xã trên cả nước. MobiFone sẽ cung cấp trải nghiệm kết nối siêu tốc, đáp ứng nhu cầu truy cập Internet ngày càng cao cho khách hàng.

Thái Khang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-mang-duoc-huong-chinh-sach-dac-biet-khi-dau-tu-phat-trien-mang-5g-2373222.html
Zalo