Tập đoàn lớn của Thụy Điển muốn xây dựng tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại Bình Định

Trước đề xuất đầu tư Dự án nhà máy tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại tỉnh Bình Định của tập đoàn Syre (Thụy Điển), Bộ Công Thương khẳnh định: 'Nếu Syre chứng minh được sự vượt trội của dự án về công nghệ sản xuất, đóng góp về kinh tế - xã hội, khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước thì sẵn sàng ủng hộ và đồng hành tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục'...

Bộ Công thương làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Đại sứ quán Thụy Điển và tập đoàn Syre.

Bộ Công thương làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Đại sứ quán Thụy Điển và tập đoàn Syre.

Chiều ngày 19/2/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định và Đại sứ quán Thụy Điển về dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao của Tập đoàn Syre (Thụy Điển).

TẬP ĐOÀN SYRE ĐỀ XUẤT ĐẦU TƯ

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) trong đó có Thụy Điển là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, từ khi hai bên ký Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư, làn sóng đầu tư cũng như quan hệ kinh tế thương mại tăng lên rất nhanh sau mỗi năm. Hai bên cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước lên một tầm cao mới, trong đó có những đề xuất cụ thể liên quan đến dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao.

Bộ trưởng cho biết hiện nay, Việt Nam được xem là công xưởng của thế giới với kim ngạch thương mại hàng năm tăng 15-17%, quy mô thương mại gần 800 tỷ USD, liên tục trong những năm qua, Việt Nam đứng thứ 18 trong số các quốc gia có quy mô thương mại lớn trên thế giới. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 7% trong năm 2025, dự kiến đạt 8% trong năm 2025 và phấn đấu đạt từ 10% trở lên trong những năm tiếp theo dựa vào ba động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Liên minh châu Âu, trong đó có Thụy Điển là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam".

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Liên minh châu Âu, trong đó có Thụy Điển là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam".

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Để đạt được tốc độ tăng trưởng đã đặt ra, Việt Nam vừa phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa phải thúc đẩy tạo ra những động lực mới như: Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ".

Tại buổi làm việc, ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre, cho biết Tập đoàn mong muốn đầu tư dự án nhà máy tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại tỉnh Bình Định. Tập đoàn cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại đối với dự án sản xuất tái chế sợi polyester, đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới về bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Syre cũng đề xuất được hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai dự án tái chế rác thải dệt may, hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu tái chế và đánh giá tác động môi trường, hỗ trợ kết nối với các cơ quan chuyên môn để đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi.

Ông Tim King,Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre, cho biết Tập đoàn cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại đối với dự án sản xuất tái chế sợi polyester.

Ông Tim King,Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre, cho biết Tập đoàn cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại đối với dự án sản xuất tái chế sợi polyester.

Khẳng định luôn ưu tiên thu gom nguồn nguyên liệu trong nước, song ông Tim King bày tỏ băn khoăn việc Việt Nam vẫn chưa có cơ chế triển khai rõ ràng về thu gom quần áo đã qua sử dụng, dù đang ngày càng được quan tâm. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc thu mua, phân loại và xử lý nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của dự án.

Do đó, ông Tim King đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng cơ chế và hướng dẫn cụ thể về thu gom, phân loại, xử lý quần áo đã qua sử dụng trong nước để đảm bảo nguồn nguyên liệu tái chế phục vụ sản xuất.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng dự án của Tập đoàn Syre có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp dệt may tuần hoàn toàn cầu, tạo nhiều việc làm và đóng góp vào nền kinh tế xanh. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét, hỗ trợ và có hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thủ tục nhập khẩu vải vụn từ quá trình sản xuất theo quy định hiện hành, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho dự án.

CẦN CÓ NGHỊ QUYẾT CHO DỰ ÁN ĐẶC THÙ

Trả lời đề xuất trên của Syre, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay nguyên liệu đầu vào theo đề xuất của Công ty: đối với quần áo, vải đã qua sử dụng (mã HS 6309) là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Vải vụn (mã HS 6310) cũng là phế liệu trong quá trình sản xuất, do vậy phải nằm trong danh mục phế liệu được nhập khẩu cho sản xuất. Cục Xuất nhập khẩu đề nghị UBND tỉnh Bình Định tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khẳng định ủng hộ việc đầu tư dự án, tuy nhiên Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cũng nói rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam là tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư phát triển kinh doanh bền vững. Về nguyên tắc, Bộ Công Thương ủng hộ dự án, nhưng đây là dự án đầu tư đặc biệt, theo quy định luật pháp Việt Nam phải có nghị quyết đặc biệt cho dự án này.

"Đây là dự án đặc thù, thí điểm, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với nguyên vật liệu đã qua sử dụng. Sau khi có Nghị quyết, Bộ Công Thương sẽ sửa Thông tư số 08/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nêu rõ.

Đánh giá về những đề xuất của Tập đoàn Syre, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đề xuất này đều đáp ứng được động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới là đầu tư và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, vì thế Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ dự án này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, việc nhập khẩu tái chế vẫn phải đảm bảo yếu tố môi trường. Việt Nam rất quan tâm về những công nghệ mà Tập đoàn Syre áp dụng, trong quá trình sản xuất và các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp, hoàn thiện sản phẩm. Các công nghệ này cần bảo đảm sạch, an toàn cho môi trường, đáp ứng về việc xử lý nước thải và rác thải của dự án, từ đó lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ có thể nội địa hóa hoặc kết nối các doanh nghiệp trong nước để cùng thực hiện mục tiêu của dự án. Đặc biệt, dự án cần chứng minh được hiệu quả về kinh tế - xã hội đối với Việt Nam.

“Nếu Tập đoàn Syre chứng minh được sự vượt trội của dự án về công nghệ sản xuất, khả năng đóng góp về kinh tế - xã hội cho Việt Nam cũng như khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước thì Bộ Công Thương sẵn sàng tham mưu cấp Chính phủ để có cơ chế, chính sách đặc thù cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình triển khai dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Tập đoàn Syre là Công ty con của Tập đoàn H&M và Công ty đầu tư công nghệ Vargas, hoạt động chính trong lĩnh vực tái chế rác thải phế liệu dệt may. Trọng tâm của doanh nghiệp là tái chế chất thải Polyester thành nguyên liệu mới cho ngành may mặc, ô tô và nội thất.

Hiện nay, Tập đoàn Syre có nhu cầu đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao tại Khu công nghiệp Nhơn Hội A, Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, với công suất 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 700 triệu - 1 tỷ USD.

Nguyệt Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tap-doan-lon-cua-thuy-dien-muon-xay-dung-to-hop-san-xuat-tai-che-soi-polyester-tai-binh-dinh.htm
Zalo