Bơm vốn cho loạt đại dự án, ngân hàng lo vướng room
Quy định về giới hạn cấp tín dụng đang làm khó các ngân hàng trong cung ứng vốn cho các đại dự án triển khai trong thời gian tới. Việc bơm vốn cho các dự án lớn cũng sẽ làm hao hụt đáng kể room tín dụng của các nhà băng.

Đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2025. Ảnh: Đức Thanh
Lo kẹt giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng lớn
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nhóm chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2025. Theo đó, các ngân hàng cho vay nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhà nước, công ty xây dựng và đầu tư công sẽ có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội.
Tuy vậy, bản thân các ngân hàng cho vay nhiều trong lĩnh vực này cũng đang gặp vướng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhận định, thời gian tới, chủ trương của Chính phủ sẽ giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai các dự án lớn. Tuy nhiên, các khách hàng này về cơ bản đã chạm mức giới hạn tối đa cho vay với một khách hàng. Chưa kể, tỷ lệ này đang bị siết do thực hiện luật mới.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, kể từ ngày Luật có hiệu lực (ngày 1/7/2024) đến ngày 1/1/2026, hạn mức cấp tín dụng tối đa với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm từ 15% xuống 14%, giảm dần về 10% đến năm 2029. Tỷ lệ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng và người liên quan sẽ giảm 2% mỗi năm, từ 25% theo luật cũ xuống còn 15% đến năm 2029 (mỗi năm giảm 2%).
Các trường hợp vượt hạn mức cấp tín dụng tối đa phải được Thủ tướng cho phép với điều kiện và quy trình nghiêm ngặt. Theo Quyết định 09/2024/QĐ-TTg, tổ chức tín dụng muốn cấp hạn mức tín dụng vượt giới hạn cho khách hàng/nhóm khách hàng phải gửi hồ sơ lên NHNN. Nếu hồ sơ hợp lệ, NHNN có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan về các khía cạnh kinh tế - kỹ thuật - pháp lý của dự án, phương án và khách hàng đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn và chờ các đơn vị này cho ý kiến.
Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hoặc ý kiến giải trình của tổ chức tín dụng, khách hàng, NHNN kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn do tổ chức tín dụng cung cấp và nếu hồ sơ hợp lý, hợp lệ, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của tổ chức tín dụng.
Như vậy, theo quy định, quy trình xem xét hồ sơ xin “nới” giới hạn tín dụng có thể kéo dài 3-4 tháng trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong thu xếp vốn triển khai dự án đúng tiến độ.
Do đó, để thuận tiện trong cung ứng vốn cho các dự án lớn thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị NHNN và Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi các quyết định liên quan đến trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của các tổ chức tín dụng.
Trong khi nhóm ngân hàng Big 4 - lực lượng chủ chốt trong rót vốn cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước - gặp vướng mắc về giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng lớn, thì nhiều ngân hàng nhỏ lại gặp vướng về room tín dụng.
Hiện nhiều ngân hàng TMCP tư nhân được cấp room tín dụng cao, song do quy mô tín dụng nhỏ, nên chỉ cần tham gia rót vốn cho vài đại dự án là có thể làm “hao hụt” đáng kể room tín dụng được cấp.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank kiến nghị, đối với các ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT, NHNN cho phép phần vốn này không tính vào room tín dụng hàng năm.
Nguy cơ bong bóng tài chính khi bơm mạnh vốn ra nền kinh tế
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, kể từ cuối năm 2025, hàng loạt đại dự án quan trọng sẽ được triển khai. Từ năm 2026, mỗi năm dự kiến có ít nhất 8 - 10 tỷ USD được rót vào nền kinh tế. Việc huy động đủ vốn cho các đại dự án này, ngoài ngân sách, cần có sự tham gia của các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng Big 4.
Để các ngân hàng có đủ tiềm lực hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước kiến nghị cho phép giữ lại lợi nhuận hàng năm để tăng vốn.
Tận dụng tối đa các nguồn lực.
- Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV
Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn lực, đặc biệt là cơ chế tài chính để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp tập trung việc đầu tư an toàn, hiệu quả, tăng cường năng lực quản lý rủi ro, tránh hiện tượng bong bóng tài chính có thể xảy ra.
Ngoài ra, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay và tăng trưởng 2 con số giai đoạn tới, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV kiến nghị, cần xây dựng cơ chế tái cấp vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng quan trọng mà các tổ chức tín dụng đang triển khai. Đồng thời, có giải pháp tránh bong bong tài chính khi một lượng lớn vốn sắp bơm ra nền kinh tế.
Nhìn chung, định hướng tăng trưởng kinh tế cao thời gian tới của Chính phủ sẽ gây sức ép đáng kể lên chính sách tiền tệ, do phải bơm lượng vốn lớn ra nền kinh tế, từ đó gây áp lực đến tỷ giá cũng như tạo rủi ro bong bóng tài sản. Trước mắt, để huy động vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có thể sẽ phải tăng lãi suất huy động, từ đó tác động đến thị trường tài chính.
Trong bối cảnh này, NHNN vừa phải điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, vừa phải thận trọng đề phòng rủi ro. Các chuyên gia khuyến nghị, NHNN nên có giải pháp “nắn” dòng tín dụng chảy vào các dự án trọng điểm quốc gia, các ngành hàng xuất khẩu lợi thế và giám sát chặt cho vay lĩnh vực rủi ro cao. Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tránh để xảy ra tình trạng nợ xấu tăng mạnh.