Tăng trưởng 8% trở lên: Nâng bội chi và nợ công chỉ nên là giải pháp ứng phó

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, chỉ trong trường hợp Việt Nam bị áp thuế trực tiếp trong 'thương chiến', thì mới cho phép tăng thu, nâng bội chi và nợ công để đạt mục tiêu tăng GDP 8% trở lên.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại tổ - Ảnh Như Ý.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại tổ - Ảnh Như Ý.

Thảo luận tổ về điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 từ 8% trở lên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị coi việc tăng thu, nâng bội chi và nợ công chỉ là giải pháp ứng phó khi Việt Nam bị “dính” thương chiến, chứ không nên là giải pháp để đạt tăng trưởng 8%.

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ chín, chiều 14/2 Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (Đề án).

Cùng với mục tiêu mới về tăng GDP, Chính phủ còn đề xuất điểu chỉnh tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Theo một số ý kiến đại biểu thì dù có quyết tâm, có thuận lợi song mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và sau đó là 2 con số từ năm 2026 là thách thức rất lớn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định Việt Nam vẫn là quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng. Tuy nhiên, năm 2025 rất khó tiên liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại hay không.

“Chính phủ đã chuẩn bị các kịch bản, cũng đã tìm cách vận động để tránh thương chiến, nhưng nếu Việt Nam bị đánh thuế thì cũng khó mà tránh khỏi sụt giảm tăng trưởng”, vị đại biểu Quảng Trị nhìn nhận.

Kể cả trường hợp Việt Nam không bị đánh thuế thì cũng sẽ không được hưởng lợi từ thương chiến như trước đây. Trước đây, khi Mỹ - Trung có chiến tranh thương mại thì Việt Nam được hưởng lợi nhờ dòng hàng hóa và đầu tư. Hiện nay thì lợi thế này vẫn sẽ có, nhưng sẽ không nhiều như trước đó, do các bên đều đã có kinh nghiệm đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, ông Đồng nhìn nhận.

Về đầu tư công, vị đại biểu Quảng Trị dẫn con số sẽ tăng khoản 84,3 nghìn tỷ đầu tư công, khoản này dự kiến sẽ có được từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách.

Trong khi đó, Chính phủ lại trình trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh tăng bội chi, nợ công. Nếu tiết kiệm chi ngân sách được thì tốt, nhưng nếu không được mà phải tăng thu hoặc bội chi, nợ công thì cần hết sức cân nhắc, ông Đồng nêu quan điểm.

Phân tích rõ hơn về tăng thu, đại biểu cho biết doanh nghiệp phản ánh là trong khoảng vài năm trở lại đây, thuế và hải quan chịu áp lực thu quá lớn mà dẫn đến các trường hợp bất hợp lý mà vẫn thu. Cái này có thể giúp thu được ngân sách trong ngắn hạn, nhưng khi mà thuế không hợp lý thì sẽ không kích thích được doanh nghiệp đầu tư, phát triển.

Về nguồn bội chi và nợ công, đại biểu Đồng nhìn nhận các biện pháp vay nợ sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn ngân hàng.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã phải chịu lãi suất cao hơn so với nước ngoài. Chính phủ đã phải rất nỗ lực để hạ mặt bằng lãi suất mà không được. Nếu đẩy mặt bằng lãi suất lên thì càng làm doanh nghiệp trong nước thua thiệt so với doanh nghiệp nước ngoài - ông Đồng phát biểu.

“Lý tưởng nhất là Việt Nam không bị "dính" thương chiến và có thể tiết kiệm chi để tăng đầu tư công, không phải tăng thu hay vay nợ. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng 8% có thể đạt được. Trường hợp dính thương chiến thì mục tiêu tăng trưởng 8% khó có thể đạt được, khi đó mới cần các biện pháp tăng bội chi hay vay nợ. Đề nghị Chính phủ tập trung tiết kiệm để có nguồn lực đầu tư công. Không bội chi hay vay nợ khi chưa cần thiết. Chỉ trong trường hợp Việt Nam bị áp thuế trực tiếp, thì mới cho phép tăng thu, nâng bội chi và nợ công. Tức là phải coi việc tăng thu, nâng bội chi và trần nợ công chỉ là giải pháp ứng phó khi Việt Nam bị dính vào chiến tranh thương mại, chứ không phải là giải pháp để đạt tăng trưởng 8%” - lãnh đạo Quảng Trị nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cũng cần quan tâm các giải pháp khác, đặc biệt cần quan tâm cải cách hệ thống tư pháp nhằm bảo vệ quyền tài sản, quyền hợp đồng. Không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế để doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Đẩy nhanh tốc độ thi hành án các vụ kinh doanh thương mại, tăng tỷ lệ thi hành án thành công về tiền.

Về lâu dài, giải pháp quan trọng vẫn là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng đây là vấn đề bị ách tắc từ nhiều năm nay vẫn chưa được triển khai. Thậm chí, có phản ánh độc quyền nhà nước có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, nên cần đẩy nhanh cổ phần hóa để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, đại biểu Đồng nêu.

Chiều mai Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-truong-8-tro-len-nang-boi-chi-va-no-cong-chi-nen-la-giai-phap-ung-pho-d246508.html
Zalo