Tăng tốc đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia: Cần hành lang pháp lý cơ bản và toàn diện
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã hoàn thiện bốn dự án luật quan trọng, dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2025, bao gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Các dự án Luật này sẽ tạo hành lang pháp lý cơ bản toàn diện cho hoạt động KH,CN&ĐMST trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo tinh thần tại Nghị quyết số 57-NQ/TW...

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ. (Ảnh minh họa: MOST)
Người đứng đầu ngành KH&CN tin tưởng, năm 2025 được coi là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, trong đó KH,CN&ĐMST được xác định là sẽ động lực chính, là đột phá quan trọng hàng đầu để đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo tinh thần tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Hành lang pháp lý vững chắc cho KH,CN&ĐMST phát triển mạnh mẽ
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt - Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật cho biết, hiện nay, KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, có vai trò ngày càng quan trọng và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết nhấn mạnh: “Phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, nội dung của Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế. Thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho KH,CN&ĐMST; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hoạt động ĐMST, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước. Nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động KH&CN...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh một số điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật KH,CN&ĐMST như: Bổ sung quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư, bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; Bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH&CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức KH&CN mà mình là thành viên tạo ra; Đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn…) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ; Quy định rõ hai nội dung chương trình KH&CN và nhiệm vụ KH&CN, làm rõ các loại nhiệm vụ KH&CN và kết quả của từng loại nhiệm vụ KH&CN; Bổ sung về nguyên tắc chính sách thuế đối với hoạt động KH,CN&ĐMST để làm căn cứ đề xuất các ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế...
Theo đó, Dự án Luật sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh đề xuất bổ sung một điều khoản khẳng định vai trò và vị thế mới của KH,CN&ĐMST, coi đây là một quan điểm, nguyên tắc quan trọng trong Luật (dựa trên khoản 1 trong Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia). Bên cạnh đó, cần nêu rõ tên của các trung tâm, các viện nghiên cứu xuất sắc được thành lập để tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học từ các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các cơ sở giáo dục đại học khác đến làm việc kiêm nhiệm nhằm tập trung nghiên cứu và phát triển trong một chủ đề được ưu tiên phát triển gồm 2 Đại học Quốc gia và 2 Viện Hàn lâm.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho rằng, đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt cần có cơ chế, chính sách riêng để tạo thuận lợi phát triển nghiên cứu mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Đại diện Viettel khẳng định, Dự thảo Luật sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng, giúp đơn giản hóa các quy trình xét duyệt và thực hiện các đề tài KH&CN, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Việt Nam sẵn sàng vươn lên trong nền kinh tế tri thức toàn cầu
Nhiều ý kiến đề nghị đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; cải thiện chính sách nhân lực để thu hút nhân tài. Phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng Dự thảo Luật này cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc đại học. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cơ bản là tổ chức khoa học công nghệ. Đồng thời, cần phải được luật hóa rằng các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa các kết quả của mình. Cuối cùng, trước đây các nhà khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đại học hay tổ chức công lập, là viên chức, không được tham gia điều hành hay thành lập doanh nghiệp để triển khai phát triển, cũng như việc thương mại hóa kết quả của mình, những vấn đề này chưa được làm rõ trong dự thảo luật này. Một điểm nữa mà từ trước đến nay vẫn là vấn đề hết sức quan trọng, đó là định giá công nghệ; phân chia quyền lợi giữa các bên và chủ sở hữu.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt .
Bởi vậy, tại dự thảo Luật lần này, các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở giáo dục đại học đăng ký là tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động R&D sẽ được xác định rõ ràng. Dự thảo đã đề xuất bỏ quy định yêu cầu đăng ký hoạt động KH&CN đối với tất cả các tổ chức, thay vào đó chỉ quy định về việc thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức R&D. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức nghiên cứu mạnh và sàng lọc các tổ chức kém hiệu quả, phù hợp với mục tiêu tinh gọn bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thêm vào đó, bổ sung quy định về tổ chức R&D công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư; bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức R&D công lập. Bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bổ sung quy định về đạo đức nghiên cứu và trách nhiệm của các tổ chức R&D phải ban hành và thực thi các quy định về đạo đức khoa học.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Dự thảo sẽ mở rộng nhân lực hoạt động KH,CN&ĐMST bao gồm: học viên thạc sĩ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ; cá nhân quản lý hoạt động KH,CN&ĐMST trong các cơ quan quản lý nhà nước; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ độc lập hoặc trong các tổ chức khác. Đồng thời, quy định các chính sách ưu đãi phù hợp với từng đối tượng nhân lực hoạt động KH,CN&ĐMST; bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH&CN công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức KH&CN mà mình là thành viên tạo ra. Định kỳ được cử sang làm việc tại các tổ chức R&D, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và các tổ chức khác để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực, nắm bắt nhu cầu công nghệ. Trong thời gian đó vẫn được giữ nguyên chế độ lương, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua, khen thưởng tại tổ chức KH&CN công lập. Đây được coi là quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Thứ trưởng cho biết thêm, các chương trình, nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu sẽ triển khai theo hai phương thức: do Nhà nước đặt hàng và do tổ chức, cá nhân đề xuất để có cơ chế giao kết quả phù hợp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo hành lang pháp lý thử nghiệm các công nghệ mới mà pháp luật chưa có quy định hoặc cấm thử nghiệm. Ngoài ra, cũng bổ sung quy định về hệ thống ĐMST quốc gia; chính sách đối với trung tâm ĐMST xuất sắc; bổ sung quy định về phổ biến, lan tỏa tri thức; bổ sung quy định về tạp chí KH&CN phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, những thay đổi trong Dự thảo đã đưa ra những quy định quan trọng và thiết thực nhằm phát triển một hệ thống KH,CN&ĐMST mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Đây là bước đi quyết định giúp Việt Nam không chỉ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế tri thức toàn cầu mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.