Giải pháp đột phá nâng tăng trưởng GDP trên 8%
Theo nghị quyết mới được thông qua, Quốc hội đồng ý điều chỉnh chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên trong năm 2025.
Sáng 19/2, sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, khoa học, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã bế mạc, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và có bài phát biểu quan trọng bế mạc kỳ họp. Trong phiên bế mạc, Quốc hội đồng ý điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP trên 500 tỷ USD; GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5 - 5%.
Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó lưu ý đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài.
Quốc hội cho phép bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn ngay trong năm.
Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết quy định tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.
Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Nghị quyết cũng quy định một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định kỳ họp lần này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu: “Các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước. Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước”.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2025 và các năm tiếp theo.