Tín dụng chính sách - 'đòn bẩy' trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Lăng

Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hải Lăng đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Nguồn vốn từ các chương trình cho vay đã góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại địa phương.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng giải ngân vốn vay cho người dân xã Hải Hưng -Ảnh: H.T

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng giải ngân vốn vay cho người dân xã Hải Hưng -Ảnh: H.T

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về công tác chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Hải Lăng đã đi vào ổn định, công tác cho vay và quản lý nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả tích cực và thực sự trở thành người bạn đồng hành, gắn bó mật thiết với người dân, nhất là người nghèo; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, đến nay, toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỉ lệ 100%; thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện cũng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM.

Theo Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng Lê Quang Lực, nguồn vốn từ NHCSXH là một trong những kênh tín dụng chính sách ưu đãi vô cùng quan trọng, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Hải Lăng có cơ hội cải thiện đời sống. Với các chương trình tín dụng thiết thực, NHCSXH đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn NHCSXH còn góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện các tiêu chí NTM tại địa phương. Nhiều khoản vay đã được sử dụng vào các mục đích thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân như: xây dựng và nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển các mô hình sản xuất bền vững; giải quyết việc làm... .

Năm 2020, xã Hải Quy hoàn thành các tiêu chí và đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Cùng với sự đầu tư của nhà nước, sự chung tay, góp sức của người dân, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo, cải thiện đời sống người dân, đưa Hải Quy trở thành một miền quê đáng sống.

Là một trong những hộ nghèo được thông tin, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước thông qua Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng để nuôi các con ăn học và phát triển kinh tế gia đình, bà Lê Thị Dung, ở thôn Văn Vận, xã Hải Quy chia sẻ: “Những năm trước đây, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, công việc chính của gia đình là nghề nông, nhưng với một vùng đất thường xuyên chịu nhiều thiên tai đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập, cuộc sống của gia đình. Khi 4 người con của chúng tôi lần lượt thi đỗ vào các trường đại học, gia đình tôi được bình xét cho vay vốn chương trình học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng với số tiền vay trên 200 triệu đồng để có điều kiện nuôi các con ăn học. Bên cạnh đó, năm 2019 gia đình tiếp tục được vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản. Nhờ vào số vốn vay này, gia đình tôi đã xây chuồng trại với diện tích 30 m2, nuôi 5 con lợn sinh sản và từng bước nâng cao chất lượng đàn lợn nên đã bán được sản phẩm ra thị trường, thu nhập ổn định hơn trước. Có vốn sản xuất, gia đình tôi đầu tư mở rộng diện tích trồng lúa và kinh doanh cá nước ngọt. Những mô hình kinh tế này không chỉ giúp gia đình tôi trả được nợ đúng hạn, cải thiện cuộc sống mà còn tạo thêm việc làm ổn định cho 2 người dân trong thôn, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn”.

Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi thật sự trở thành “đòn bẩy” giúp cho các xã thực hiện hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm... Ngoài ra, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện luôn ưu tiên nguồn vốn vay đối với các xã được tỉnh lựa chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM để người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo tập huấn, nâng cao nghiệp vụ của cán bộ tín dụng ngân hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đồng thời, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi. Tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt trên 648.670 triệu đồng, với 15.751 khách hàng đang vay. Trong đó, dư nợ tập trung vào các chương trình lớn như: cho vay hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay phát triển và quản lý nhà ở xã hội...

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng Lê Quang Lực khẳng định: “Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục tăng cường nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương để triển khai các chương trình tín dụng một cách hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, tập trung ưu tiên các dự án có tiềm năng phát triển bền vững, nâng cao năng lực sản xuất và đời sống của người dân, hướng đến mục tiêu cao nhất là không chỉ đạt chuẩn huyện NTM mà còn góp phần xây dựng huyện Hải Lăng phát triển bền vững, toàn diện”.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tin-dung-chinh-sach-don-bay-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-hai-lang-191790.htm
Zalo