Gelex chi trăm tỷ mua cổ phiếu Seaprodex
Seaprodex được nhắc đến như doanh nghiệp sở hữu nhiều đất vàng với khu đất trụ sở chính nằm tại số 2-4-6 Đồng Khởi, quận 1, TP. HCM.
Tập đoàn Gelex mới đây đã thông báo mua vào hơn 5,9 triệu cổ phiếu Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) trong ngày 17/12/2024, qua đó nâng gấp đôi sở hữu lên 9,52% và chính thức trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Trong phiên giao dịch ngày 17/12, sàn UpCOM cũng ghi nhận hơn 5,9 triệu cổ phiếu Seaprodex được giao dịch thỏa thuận, bằng đúng lệnh mua của Gelex, với giá trị gần 242 tỷ đồng.
Biến động cổ đông lớn
Cuối năm ngoái, Nova Hospitality – thành viên của Novaland, cũng công bố đã hoàn tất mua vào gần 18 triệu cổ phiếu Seaprodex để nâng sở hữu lên 23,3 triệu cổ phiếu, chiếm 18,64% và trở thành cổ đông lớn tại Seaprodex.
Nhưng chỉ vài tuần sau đó, Công ty CP Quản lý Quỹ HD (HDCapital) đã báo cáo mua vào 18 triệu cổ phiếu từ Nova Hospitality trong phiên giao dịch ngày 26/12/2023, qua đó nắm giữ 14,4% vốn tại Seaprodex chính thức trở thành cổ đông lớn.
Tới ngày 6/8/2024, HDCapital lại tiếp tục “trao tay” toàn bộ 18 triệu cổ phiếu cho Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư Đỏ (Red Capital), đưa Red Capital trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Seaprodex sau SCIC với tỷ lệ sở hữu 14,4%.
Trước đó, Red Capital đã thông báo rằng việc mua cổ phiếu Seaprodex được thực hiện theo hợp đồng ủy thác quản lý danh mục đầu tư và diễn ra ngoài hệ thống giao dịch chính thức. Với mức giá 29.000 đồng/cổ phiếu vào phiên đóng cửa ngày 6/8, số cổ phiếu này có giá trị khoảng 522 tỷ đồng.
Đáng chú ý, bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên HĐQT Seaprodex hiện cũng đang là Tổng giám đốc Red Capital.
Red Capital được thành lập vào năm 2008, do bà Phương Lan đại diện pháp luật, có trụ sở tại quận 1, TP. HCM và chuyên về quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Bà Phương Lan có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bất động sản, M&A và tái cấu trúc doanh nghiệp.
Ngoài vị trí lãnh đạo tại Red Capital, bà Lan cũng từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các tổ chức lớn như Sotrans, Refico và cả Tập đoàn Gelex.
Ngoài các cổ đông lớn trên, Seaprodex cũng có sự hiện diện của cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 63,38% cổ phần.
Sức hút của Seaprodex
Seaprodex được thành lập từ năm 1978, từng là anh cả trong ngành thủy sản nước nhà trước khi có sự vươn lên của các công ty tư nhân. Tổng công ty hiện có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng và giá trị vốn hóa thị trường gần 2.900 tỷ đồng.
Năm 2015, công ty được cổ phần hóa và bắt đầu được giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2016.
Seaprodex có ngành nghề kinh doanh chính liên quan đến các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, cùng với một số mảng khác như thức ăn chăn nuôi, bất động sản... Quy mô doanh thu mỗi năm bình quân hơn 1.000 tỷ đồng và có lãi khoảng 200-300 tỷ đồng.
Ngoài hoạt động cốt lõi không quá nổi bật, Seaprodex lại được nhắc đến như doanh nghiệp sở hữu nhiều đất vàng với khu đất trụ sở chính nằm tại số 2-4-6 Đồng Khởi, quận 1, TP. HCM. Khu đất vàng này đã được công ty nộp tiền sử dụng đất theo phương án được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Báo cáo của công ty ghi nhận giá trị sổ sách của quyền sử dụng đất tại dự án này là 692 tỷ đồng đến ngày 30/9/2024. Theo kế hoạch, Seaprodex sẽ xây dựng dự án trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ trên khu đất này.
Ngoài ra, công ty cũng sở hữu các bất động sản đắc địa khác như Khách sạn Blue Sapphire Vũng Tàu và dự án số 2 Ngô Gia Tự, Hà Nội.
Công ty còn nắm 22% cổ phần công ty sản xuất thức ăn gia súc Proconco. Đây là khoản đầu tư cổ phần lớn nhất của công ty.
Doanh nghiệp cũng đang duy trì hơn 455 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư tại các đơn vị khác.