Thái Nguyên muốn đẩy mạnh 'kinh tế trà'
Thái Nguyên đề xuất Chính phủ hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành chè để đem lại nhiều lợi ích lan tỏa và thiết thực.
Cây trà và văn hóa uống trà của người Việt có lịch sử lên đến hàng nghìn năm. “Người Việt Nam biết uống trà rất sớm, sớm nhất thế giới”, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, ngành trà Việt Nam vẫn còn “lép vế” so với các quốc gia trên thế giới. Riêng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu trà ước đạt 300 triệu USD, trong khi Ấn Độ xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD, còn Trung Quốc xuất khẩu trà đạt 30 tỷ USD, tương đương với quy mô xuất khẩu bán dẫn của Hàn Quốc.
Khẳng định ngành trà có nhiều dư địa, tiềm năng, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề xuất tập trung phát triển hệ sinh thái trà, đồng thời cam kết hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ Trung ương giao trong phát triển kinh tế trà.
Thái Nguyên là vùng trồng trà nổi tiếng nhất Việt Nam, thương hiệu chè (trà) Thái Nguyên là biểu tượng mang tính văn hóa, được yêu thích ở trong nước và quốc tế.
Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung nhiều nguồn lực thúc đẩy kinh tế trà, chẳng hạn như ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chế tạo các robot sao trà giúp nâng cao năng suất, nghiên cứu tận dụng những hoạt chất quý trong cây trà như Catechis, EGCG.
Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 38 doanh nghiệp, hơn 160 hợp tác xã, hơn 250 làng nghề truyền thống và hơn 90 nghìn nông hộ chế biến trà xanh và các sản phầm trà chất lượng cao.
Do đó, việc thúc đẩy phát triển kinh tế trà là giải pháp đem lại giá trị kinh tế lớn cho tỉnh Thái Nguyên, giúp cải thiện, nâng cao sinh kế, đời sống người dân, bên cạnh việc lan tỏa thêm nhiều giá trị văn hóa của tỉnh Thái Nguyên và của đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.