Sự thật về bức ảnh nhìn thấy đường cong Trái Đất từ đỉnh Everest
Độ cao tối thiểu để có thể nhìn thấy độ cong của Trái Đất là 10.668 m, trong khi đỉnh núi cao nhất thế giới Everest chỉ cao 8.848 m.
Trái Đất có hình dạng quả bóng tennis và quay quanh Mặt Trời như những hành tinh khác trong hệ Mặt Trời. Điều này đã được chứng minh bởi các nhà khoa học, phi hành gia và rất nhiều thí nghiệm lan truyền.
Gần đây, một bức ảnh selfie được chụp trên đỉnh Everest đã làm nổ ra tranh cãi và bất ngờ, Flat Earther (những người tin rằng Trái Đất phẳng dẹt như một chiếc đĩa) lại chiến thắng, theo Ladbible.
Cụ thể, trên mạng xã hội Reddit, người dùng có tên u/amazed_spirit chia sẻ bức ảnh selfie trên đỉnh Everest cao 8.848 m. “Chiếu tướng Hội Trái Đất phẳng”, phần chú thích viết.
Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để lập luận của chủ nhân bài đăng bị bác bỏ. Bởi lẽ, mọi người cần ở độ cao tối thiểu 10.668 m để có thể nhìn thấy đường cong của Trái Đất. Điều đó có nghĩa là dù đứng trên đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, bạn vẫn cần khoảng 1.820 m nữa.
Tài khoản U/SadConfiguration bày tỏ: “Bạn không thể nhìn thấy độ cong của Trái Đất từ đỉnh Everest. Đó là ảnh chụp bằng ống kính mắt cá (ống kính máy ảnh tạo hiệu ứng hình cầu)”.
Những người tin Trái Đất phẳng chỉ lãng phí thời gian, nhưng cũng đừng bị lừa khi nghĩ rằng bạn có thể nhìn thấy độ cong của Trái Đất từ độ cao 8.848 m.
Một người dùng viết: “Có nhiều bằng chứng thuyết phục về việc Trái Đất là một quả cầu hơn là bức ảnh được chụp bằng ống kính mắt cá”.
World Atlas cũng ủng hộ những lập luận này vì một người đứng trên đỉnh Everest có thể nhìn thấy tối đa 370 km, không đủ để nhìn thấy độ cong của Trái Đất.
Pete Svarrior, người theo phe Trái Đất phẳng, đã nắm lấy cơ hội để có được chiến thắng hiếm hoi trước các đối thủ Round Earther (những người tin rằng Trái Đất hình tròn). Anh tìm kiếm trên Google và tìm ra bức ảnh gốc.
Svarrior tiết lộ những phát hiện của mình trên diễn đàn của Hội Trái Đất phẳng: “Chắc chắn rồi, bức ảnh không được chụp vào năm 2018 và không liên quan gì đến chủ nhân bài đăng trên Reddit. Nó thực sự được chụp vào năm 2013 bởi Dean Carriere”.
Quan trọng hơn, Dean không xóa dữ liệu EXIF (siêu dữ liệu liên quan đến một bức ảnh). Tấm hình được chụp bằng GoPro Hero3-Silver Edition với độ dài tiêu cự 16 mm. Đó là một ống kính góc cực rộng nên toàn bộ hình ảnh bị biến dạng. Cuộc tranh cãi kết thúc khi sự thật được ngã ngũ.