Vén màn bí ẩn 'quái vật' hồ Loch Ness
Huyền thoại về 'quái vật' hồ Loch Ness - một bí ẩn chưa có lời giải trong suốt gần một thế kỷ luôn là đề tài thu hút sự chú ý và tranh luận không ngừng. Gần đây câu chuyện bỗng ồn ào trở lại khi được cho là đã có lời giải.
![anh bai Quai vat ho Loch Nes](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_113_51431788/d13ed920e36e0a30537f.jpg)
anh bai Quai vat ho Loch Nes
Theo tờ The European, cho đến cuối tháng 1/2025, câu hỏi “quái vật Nessie” có thật hay không vẫn không có câu trả lời. Tuy nhiên, sang đầu tháng 2 này, Giáo sư Tim Coulson - chuyên gia động vật học tại Đại học Oxford đã đưa ra khẳng định chắc nịch việc quái vật hồ Loch Ness tồn tại là điều “không thể về mặt sinh học”. Ông chỉ ra rằng không có bộ xương nào và cũng chưa từng có ai bắt được loài sinh vật nào tương tự như các mô tả về loài thủy quái trong hồ nước này. Điều đó cho thấy “quái vật Nessie” không có thật.
“Việc không có bộ xương và bất kỳ bức ảnh đáng tin cậy nào là lời khẳng định mạnh mẽ và đáng tin cậy cho thấy Nessie không tồn tại”- ông Coulson nói với tờ The European.
Giải thích về các bức ảnh được cho là chụp quái vật hồ Loch Ness, ông Coulson cho rằng những hình ảnh mờ này có thể là những mảnh vỡ trôi nổi hoặc các loài chim có cổ dài, chẳng hạn chim cốc, khi chúng bơi gần mặt nước. Theo ông, sự hiểu nhầm về kích thước của vật thể có thể là nguyên nhân chính cho những thông tin về sự xuất hiện của Nessie.
Giống như Bigfoot (quái vật chân lớn) hay Yeti (người tuyết), quái vật hồ Loch Ness được xem là một sinh vật huyền bí mà vẫn tồn tại bất chấp rất ít bằng chứng để xác thực. Tuy nhiên, trong suốt gần một thế kỷ qua (kể từ năm 1934), mỗi năm có hàng chục nghìn người đã tới hồ Loch Ness để chụp ảnh và hy vọng mình sẽ là người tận mắt thấy “thủy quái”.
Giáo sư Coulson chỉ ra rằng không có bất kỳ hóa thạch nào của loài thằn lằn đầu rắn (plesiosaur) tồn tại cho đến ngày nay, nên việc tồn tại loài “thủy quái cổ đại” trong hồ Loch Ness là không thể. “Nếu có, chúng đã bị mắc lưới từ lâu rồi”.
Về loài Bigfoot (quái vật chân lớn), ông Coulson giải thích rằng các thông tin về sự xuất hiện của sinh vật này thực chất là gấu đen, bởi sự phân bố của Bigfoot trùng khớp hoàn toàn với khu vực sống của loài gấu đen.
Tiến sĩ Jason Gilchrist tại Đại học Edinburgh Napier (Vương quốc Anh) cho rằng các huyền thoại như Nessie hay Bigfoot vẫn luôn thu hút sự tò mò của con người mà không có bằng chứng cụ thể. Con người luôn muốn khám phá những điều hiếm có và đặc biệt, và không gì thú vị hơn một sinh vật huyền bí như quái vật hồ Loch Ness. Điều này khiến những người tìm kiếm Nessie chú ý đến những bằng chứng mà họ có thể bỏ qua ở các địa điểm khác.
Tuy nhiên, mặc dù sự tồn tại của Nessie bị bác bỏ đi chăng nữa, Giáo sư Coulson cũng cho rằng vũ trụ rộng lớn có thể chứa đựng những dạng sống khác ngoài hành tinh và có khả năng tồn tại của các sinh vật khác ngoài Trái Đất là một giả thuyết đáng cân nhắc.
“Vì vậy, dù sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness không thể chứng minh thì vũ trụ vẫn đầy bí ẩn, và chúng ta chưa thể biết hết được những điều thú vị đang chờ đợi phía trước” - Giáo sư Coulson nói.
Trước đó, tháng 9/2019, một nhóm các nhà khoa học New Zealand đã công bố kết quả "giải mã nghi vấn" về sinh vật kỳ bí khổng lồ trong hồ Loch Ness. Họ là những nhà khoa học uy tín do Giáo sư chuyên về gene di truyền Neil Gemmell thuộc Đại học Otago (New Zealand) dẫn đầu đã phân tích 500 triệu chuỗi ADN thu thập từ 250 mẫu nước lấy trong hồ Loch Ness.
Sau một thời gian nghiên cứu miệt mài, họ đã loại bỏ được một số giả thuyết phổ biến lý giải về sự tồn tại của sinh vật huyền thoại trong hồ. Giáo sư Gemmell cùng các đồng nghiệp khẳng định không phát hiện ra ADN của các loài bò sát thời kỳ kỷ Jura như thằn lằn đầu rắn, cũng như không có dấu hiệu của cá mập hay cá da trơn. Sau khi loại trừ, các nhà khoa học đưa ra một lời giải thích được cho là “hợp lý hơn cả”, đó là có một lượng lớn ADN của lươn khổng lồ - loài phổ biến tại hồ Loch Ness khi mà thợ lặn trong vùng từng thấy những con lươn to bằng bắp chân người lớn, dài tới 4m sâu dưới lòng hồ.
Như vậy, cùng với nghi vấn quái vật hồ Loch Ness có thể chỉ là một loài lươn khổng lồ và không có thủy quái nào tồn tại ở hồ nước này cả, Tiến sĩ Gordon Gallup - nhà sinh lý học tâm lý tại Đại học Albany (New York, Mỹ), cho rằng “sự tìm kiếm của giới khoa học đã tiến những bước dài” trong việc vén bức màn bí mật vốn vẫn khiến nhân loại “ hồi hộp và đau đầu”. Tiến sĩ Gallup cũng cho rằng, nhờ vào sức mạnh vũ bão của công nghệ, năm 2025 này hy vọng các nghiên cứu sẽ thu được nhiều kết quả hơn nữa. Tuy nhiên, huyền thoại dù thực dù hư thì vẫn có vẻ đẹp riêng và giá trị riêng.
“Với tinh thần đó, việc giải mã huyền thoại không nhằm mục đích hạ bệ huyền thoại mà cần được coi là yếu tố thúc đẩy sự phát triển tư duy khoa học cần thiết. Huyền thoại về thủy quái hồ Loch Ness, người tuyết hay quái vật chân lớn theo thời gian cũng sẽ dần sáng tỏ và lui lại thành những câu chuyện kể nhưng nó vẫn là một phần đáng kể trong ký ức của loài người” - Tiến sĩ Gallup nói.
Hồ Loch Ness thu hút sự tò mò của du khách cùng các nhà khoa học.
Quái vật hồ Loch Ness, thường còn được gọi là "Nessie", sống ở hồ nước ngọt Ness (Scotland), nơi sâu nhất là 230 m. Bản ghi chép đầu tiên về người thấy “quái vật” là vào năm 1802. Tháng 8/1933, tờ Courier đã công bố một cách rộng rãi với mô tả một "con cá quái vật trông như rắn biển khổng lồ". Kể từ năm 1940, sinh vật bí ẩn này (nếu có) chính thức được gọi là “quái vật hồ Loch Ness”.
Trong thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, các nhà khoa học nhiều quốc gia đã sử dụng thiết bị tiên tiến để khảo sát hoạt động của nó. Năm 1972, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Boston (Mỹ) cho rằng họ đã ghi được hình ảnh các vây khổng lồ của quái vật từ dưới nước. Tháng 6/1975, họ công bố ảnh con vật này dài 6,5 m, trong đó phần cổ dài 2,1 - 3,7 m. Tuy nhiên điều đó cũng không được coi là bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.