Vụ máy bay mất tích ở Mỹ: Tìm thấy toàn bộ 10 thi thể trên tảng băng trôi
Chiều 8/2 (giờ địa phương), Sở Cứu hỏa Nome (bang Alaska, Mỹ) thông báo đã tìm thấy toàn bộ 10 thi thể nạn nhân trong vụ máy bay Bering Air mất tích khi bay qua khu vực ven biển phía Tây bang Alaska.
Theo thông báo từ Sở Cứu hỏa Nome, 10 thi thể được tìm thấy tại hiện trường vụ tai nạn trên tảng băng trôi, cách thành phố Nome khoảng 48km về phía Đông Nam và cách bờ biển 19km.
Cơ quan chức năng xác định những nạn nhân thiệt mạng trên chuyến bay ở độ tuổi từ 30 đến 58 tuổi. Trong đó, phi công thiệt mạng là ông Chad Antill (34 tuổi), đến từ TP Nome.
Đây là nỗ lực của cơ quan chức năng trong suốt nhiều giờ đồng hồ chạy đua tìm kiếm thi thể và đưa họ về nhà trước khi gió bão mùa đông dự kiến càn quét qua khu vực này. Hiện tại, đội cứu hộ vẫn đang cố gắng thu hồi xác máy bay gặp nạn.
Điều kiện thời tiết và môi trường hết sức khắc nghiệt đang cản trở công tác thu hồi thi thể và xác máy bay bị vỡ vụn thành nhiều mảnh. Các đội cứu hộ phải làm việc trên bề mặt tảng băng trôi không ổn định, lầy lội, trôi dạt tự do với tốc độ khoảng 8km/ngày.
Trong khi đó, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo cơn bão tuyết có sức mạnh 72km/h dự kiến sẽ tấn công khu vực từ ngày 8-9/2 (giờ địa phương).
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ tuyên bố đã cử 9 nhân sự đến hiện trường, nỗ lực xác định nguyên nhân, diễn biến vụ việc với mục tiêu cuối cùng là cải thiện an toàn hàng không ở Alaska và trên khắp Mỹ.
Trước đó vào chiều 6/2 (giờ địa phương), chiếc máy bay Cessna Caravan của hãng hàng không Bering Air đang trên đường từ Unalakleet đến Nome (phía Tây bang Alaska) thì bất ngờ biến mất trên màn hình radar.
Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm trong điều kiện hạn chế, đến ngày 7/2 (giờ địa phương), Cảnh sát biển Mỹ cho biết đã tìm thấy xác máy bay trên tảng băng trôi ngoài khơi Nome.
Trung úy Cảnh sát biển Mỹ Benjamin McIntyre-Coble cho biết, theo dữ liệu radar do Đội Tuần tra Hàng không Dân dụng Mỹ cung cấp, vào khoảng 15h18 chiều 6/2 (giờ địa phương), máy bay đã xảy ra sự cố bất ngờ, nhanh chóng bị mất độ cao và giảm tốc độ. Tuy nhiên, ông McIntyre-Coble cho biết chưa nắm được sự cố này là gì.
Máy bay đã được lắp đặt thiết bị phát định vị khẩn cấp. Nếu tiếp xúc với nước biển, thiết bị sẽ tự động gửi tín hiệu đến vệ tinh rồi chuyển tiếp thông báo trở lại Cảnh sát biển Mỹ. Tuy nhiên, ông McIntyre-Coble khẳng định cơ quan chức năng không nhận được bất kỳ tín hiệu khẩn cấp nào từ chiếc máy bay.
Theo báo USA Today, bang Alaska nằm ở phía Tây nước Mỹ, sát eo biển Bering là nơi có đường đổi ngày quốc tế chạy qua. Nơi đây nổi tiếng có địa hình núi non hiểm trở và thời tiết biến động khó lường. Nhiều ngôi làng tại đây không có đường bộ kết nối, phải dùng máy bay nhỏ để vận chuyển người và hàng hóa.
Vụ tai nạn máy bay Bering Air được coi là một trong những vụ tai nạn máy bay chết người nhất tại tiểu bang Alaska trong 25 năm qua và cũng là một trong nhiều sự cố hàng không mới nhất liên tiếp xảy ra ở Mỹ những ngày gần đây.
Trước đó vào ngày 1/2, một nhân viên sân bay bị thương nặng sau khi một máy bay chở khách va vào một xe kéo tại sân bay Quốc tế Chicago O'Hare. Ngay hôm sau, một chuyến bay của United Airlines từ Houston đến New York được sơ tán khẩn cấp sau khi có báo cáo về sự cố động cơ.
Sáng 5/2, một máy bay Delta Air Lines đang đỗ thì bị máy bay Japan Airlines đâm trúng tại sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma, rất may không có trường hợp thương vong.
Đặc biệt vào ngày 29/1, máy bay chở khách của American Airlines và trực thăng quân đội Mỹ đã va chạm ở khu vực thủ đô Washington, D.C rồi rơi xuống sông Potomac khiến 67 người thiệt mạng.
Chỉ vài ngày sau, một máy bay Medevac đã lao xuống một khu dân cư đông đúc ở Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ), khiến 7 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương.